Cũng như các liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, đang là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Hoàng Thượng Lân xung phong vào bộ đội. Cuộc đời chiến đấu và hy sinh anh dũng của người thanh niên gốc ở Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Hoàng Thượng Lân thực sự là tấm gương tiêu biểu cho những thế hệ thanh niên trí thức Việt Nam vì tổ quốc ngã xuống khi cuộc đời ở độ tuổi hai mươi.
Bằng ngòi bút của mình, Hoàng Thượng Lân đã ghi chép trung thực tất cả những gì anh đã được thấy, được nghe, được biết và nếm trải… trên từng chặng đường hành quân gian khổ, hay cả những trận đánh "một mất, một còn" với quân giặc.
Ngày 24/10/1971, trong một trận đánh ở Quảng Trị Hoàng Thượng Lân đã anh dũng hy sinh. Cả những cuốn nhật ký kịp gửi ra Bắc và trong số các di vật còn lại do đơn vị bàn giao về cho gia đình có đến 8 tập nhật ký và hàng trăm bức thư của Hoàng Thượng Lân. Mộ của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân được đồng đội đặt trên một quả đồi cao, gần binh trạm, sau đó được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và năm 1997 gia đình đã đưa hài cốt của anh về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội.
Cuốn "Tài hoa ra trận" được chọn lọc và sắp xếp lại từ 8 cuốn nhật ký của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân. NXB và người sưu tầm, giới thiệu đều tuân thủ nguyên tắc tôn trọng tối đa bản thảo gốc, tuy nhiên trình tự của nhật ký được chia thành 10 phần, mỗi phần đặt tên theo một chủ đề đúng với tinh thần nội dung của những ghi chép, suy nghĩ của tác giả.
Cuốn nhật ký "Tài hoa ra trận" là những trang viết bằng cả trái tim chan chứa niềm tin vào một ngày mai tươi sáng, nhưng cũng tràn đầy khí phách của một người lính trước lúc ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Người lính tài hoa mà bình dị của đất Hà thành Nguyễn Thượng Lân đã để lại cho chúng ta - những người đang sống hôm nay - và các thế hệ mai sau tất cả tình yêu thương và khát vọng về một thế giới hòa bình, hạnh phúc.
Nhân dịp này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư cho NXB Hội Nhà văn và trường Đại học Mỹ thuật HN, trong thư có đoạn viết: "Tôi mong rằng, thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và các thế hệ sinh viên của trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội nói riêng sẽ phát huy tinh thần "vì nước, vì dân" của họa sĩ, liệt sĩ, "Dũng sĩ diệt Mỹ" Hoàng Thượng Lân trong sự nghiệp đổi mới và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Đặc biệt các thế hệ trẻ của trường hãy phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào nhiệm vụ xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại…"
(Theo HNM)
Bình luận (0)