Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, tại kỳ thi tay nghề thế giới được tổ chức tại Kazan, Liên bang Nga vào tháng 8 tới, sẽ có 1.521 thí sinh tham dự, tăng 21,5% so với Kỳ thi lần thứ 44 năm 2017. Các thí sinh đến từ 67 quốc gia trên thế giới và tranh tài ở 56 nghề thi.
“Năm nay có nhiều điểm mới khiến thí sinh các nước phải hết sức lưu ý. Đó là có 42/56 nghề thi sẽ được tổ chức thi theo cơ chế mới, 30/56 nghề thi được thiết kế độc lập từ bên ngoài và sẽ được điều chỉnh 30% đề thi chính thức trước ngày thi. Đặc biệt, bên cạnh 56 nghề thi chính thức của kỳ thi, sẽ có thi và trình diễn 24 nghề được cho là sẽ trở thành các kỹ năng trong tương lai (future skills)”.
Theo ông Trường, 24 nghề về kỹ năng tương lai được đưa vào kỳ thi lần này, là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và doanh nghiệp trên thế giới, kéo theo những tư duy mới, công nghệ mới sẽ xuất hiện trong tương lai.
tin liên quan
Những 'bàn tay vàng ASEAN' của Việt NamNhững nghề đó bao gồm: Vi sinh học nông nghiệp, các giải pháp dựa trên blockchain, mô hình xây dựng thông tin, công nghệ composite, nhà máy kỹ thuật số, thiết kế thời trang kỹ thuật số, trang trại kỹ thuật số, vận hành vật thể bay không người lái, an toàn hệ thống an ninh doanh nghiệp, công nghệ số doanh nghiệp, công nghiệp 4.0, kết nối vạn vật, quản lý vòng đời sản phẩm, dữ liệu lớn và máy học, kỹ thuật tái hiện ngược cơ khí, tổng hợp và xử lý khoảng chất, phát triển ứng dụng di động, thiết kế giao diện trung hòa, công nghệ lượng tử, chép hình nhanh, tích hợp hệ thống robot, hàn robot, mạng lưới thông minh, kỹ thuật hệ thống không gian, thực tế ảo.
Ông Trường nhìn nhận: “Hầu hết những ngành mới trên đều đã được ứng dụng ở Việt Nam, trong các doanh nghiệp hoặc một số trường ĐH, CĐ, tuy nhiên chưa được xây dựng thành các ngành học, trên thế giới cũng rất hiếm. Những nghề này đều ở chuyên môn hẹp, mang tính kỹ năng”.
Tại kỳ thi này, Việt Nam sẽ tham gia thi 19 nghề gồm: thiết kế kỹ thuật cơ khí – CAD, cơ điện tử; phay CNC, tiện CNC. công nghệ nước, giải pháp phần mềm CNTT, xây gạch, điện tử, ốp lát tường và sàn, lắp cáp mạng thông tin, điện lạnh, sơn ô tô, kỹ thuật khuôn đúc nhựa, khuôn mẫu, gia công kim loại tấm, kỹ thuật số 3D, lắp đặt điện, hàn và thiết kế các kiểu tóc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng ký tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới với số lượng nhiều nhất từ trước đến nay.
Bình luận (0)