Xuất hiện các ca bệnh cấp tính mới do thuốc lá điện tử

Liên Châu
Liên Châu
04/11/2024 18:03 GMT+7

Tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là bệnh mới, theo danh sách mã bệnh tật của WHO. Tại Việt Nam, các cơ sở y tế đã ghi nhận các bệnh nhân cấp cứu do căn bệnh này. Bộ Y tế đề xuất cấm sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Mã bệnh mới do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát thuốc lá của các nước khu vực ASEAN do Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức chiều nay 4.11, tại Hà Nội.  Các chuyên gia tham dự cùng thảo luận về giải pháp kiểm soát thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. 

Tại hội thảo, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, 5 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.

Xuất hiện các ca bệnh cấp tính mới do thuốc lá điện tử- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo và sử dụng các loại thuốc lá mới, ngăn chặn tác hại với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt giới trẻ

ẢNH: NGUYỄN NHIÊN

Riêng với ung thư phổi, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm 96,8% (theo nghiên cứu của Bệnh viện K).

Trong hơn 10 năm qua, tỷ lệ hút thuốc lá và hút thuốc thụ động đã giảm đáng kể tại hầu hết các địa điểm. Tại gia đình, tỷ lệ hút thuốc thụ động giảm còn 45,6% (2023) so với hơn 73% (2010). Tại nơi làm việc, tỷ lệ này hiện còn khoảng 23% so với gần 60% (2023).

Tuy nhiên, hút thuốc lá điện tử đang tăng trong giới trẻ. Ông Khoa bày tỏ lo ngại khi chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 - 15 tuổi đã gia tăng hơn 2 lần (từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023).

Cùng với đó, ở người trên 15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cũng tập trung cao ở nhóm tuổi trẻ, trong đó, nhóm 15 - 24 tuổi là 7,3%; nhóm tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2%; nhóm tuổi 45 - 64 tuổi là 1,4%.

Đáng lưu ý, một khảo sát nhanh trong năm 2023 tại 700 bệnh viện tại các tỷnh, thành, ghi nhận 1.224 người nhập viện cấp cứu do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong đó nhiều ca tổn thương phổi cấp dị ứng, ngộ độc do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Xuất hiện các ca bệnh cấp tính mới do thuốc lá điện tử- Ảnh 2.

Việt Nam ghi nhận các bệnh nhân tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử

ẢNH: REUTERS

"Vì các  thuốc  lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là nguyên nhân mới gây tổn thương phổi cấp, nguy hiểm đến sức khỏe, chúng tôi đang triển khai nghiên cứu sâu hơn về bệnh cảnh lâm sàng của căn bệnh này. Đây là bệnh mới, và WHO có mã bệnh cho bệnh tổn thương phổi do thuốc lá điện tử", ông Khoa thông tin.

Với các ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử, trong năm 2022 - 2023, tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận gần 130 ca ngộ độc nhập viện.

Ngoài nicotine và các hóa chất gây hại, thuốc lá điện tử còn có các ma túy, hóa chất chưa thể xét nghiệm được, và các hóa chất này vẫn được làm mới mỗi ngày, đe dọa sức khỏe, không thể kiểm soát được.

Chỉ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo và sử dụng các loại thuốc lá mới, ngăn chặn tác hại với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt giới trẻ, trước xu hướng gia tăng sử dụng các thuốc lá này trong giới trẻ.

 Cần áp dụng các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng

Tại hội thảo, các chuyên gia chia sẻ những thông tin chuyên môn về thuế thuốc lá và sự gia tăng của các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Tiến sĩ Ulysses Dorotheo, Giám đốc điều hành Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), cho biết: "Việt Nam, giống như các nước ASEAN khác, đang phải đối mặt với vấn đề gia tăng sử dụng các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Chính sách cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này và tránh lặp lại sai lầm khi để nạn dịch thuốc lá gia tăng".

Theo SEATCA, hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Việt Nam nên xem xét bài học từ các quốc gia này khi quyết định cấm hay quản lý các sản phẩm này.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng không phải là phương pháp hỗ trợ cai thuốc lá hiệu quả. Những người hút thuốc cố gắng cai thuốc bằng cách sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thường kết thúc bằng việc sử dụng cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Ngoài ra, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có khả năng bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao gấp 3 lần. 

Một số quốc gia cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có tỷ lệ hút thuốc thấp nhất thế giới, như Singapore (10,1%), Brazil (9,1%) và Hồng Kông (9,5%).

Thông tin tại hội thảo cũng cho thấy, thuốc lá điện tử chứa nicotine cùng các chất độc hại và gây ung thư khác. Các trường hợp tổn thương phổi liên quan đến việc sử dụng sản phẩm thuốc lá điện tử đang gia tăng trên toàn cầu.

  Các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá tại Việt Nam

     Tăng thuế thuốc lá

    Ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới

    Tăng cường thực hiện môi trường không khói thuốc

    Tăng cường cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá

    Hỗ trợ cai nghiện thuốc lá

    Quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá

    (Bộ Y tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.