Ông Lân cho rằng việc chống dịch không chỉ là tiêm vắc xin mà cần xác định được mầm bệnh xâm nhập, từ đó có thêm các giải pháp hiệu quả ngăn chặn, khoanh vùng, xử lý nguồn bệnh xâm nhập, giảm nguy cơ làm lây lan.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dịch sởi trở lại từ 2013 với 1.048 ca được ghi nhận. Từ đầu năm 2014 dịch có xu hướng tăng và lan rộng, đến nay đã có 993 ca mắc tại 24 tỉnh, TP. 5 địa phương có số mắc cao là Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, TP.HCM. Các trường hợp mắc sởi hầu hết là trẻ dưới 9 tháng tuổi (độ tuổi chưa đến tuổi tiêm phòng sởi); trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa được tiêm vắc xin và trẻ chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương ngay trong tháng 2 thực hiện tiêm đầy đủ cho các trẻ trong độ tuổi, tiêm phòng sởi cho các trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm và chưa tiêm đầy đủ vắc xin này, ước khoảng có 194.000 trẻ. Ông Long nhận định dịch sẽ còn xảy ra trong các tháng tới vì hằng năm chỉ có khoảng 85% trẻ em tiêm vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi được bảo vệ phòng sởi. Với tỷ lệ tiêm chủng sởi mũi 1 cho trẻ 9 tháng tuổi đạt 90% thì có khoảng 76% số trẻ được bảo vệ. 24% trẻ nếu không tiêm mũi 2 vắc xin sởi lúc 18 tháng tuổi sẽ tích lũy và có khả năng gây dịch nếu có vi rút sởi xâm nhập.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, các tỉnh miền núi phía bắc có nguy cơ cao xuất hiện dịch do giáp với Trung Quốc là quốc gia đang có dịch sốt phát ban nghi sởi lưu hành. Trong khi đó, việc tiêm phòng tại các tỉnh này còn khó khăn do địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn.
Liên Châu
Bình luận (0)