Xuất hiện nhiều quỹ đầu tư lớn cho phim Việt

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
22/09/2018 06:42 GMT+7

Thời gian qua, các quỹ hỗ trợ đầu tư để phát triển điện ảnh liên tiếp ra mắt, mở ra nhiều cơ hội cho phim Việt.

Phim thương mại có quỹ hơn 1.000 tỉ đồng
Quỹ đầu tư giải trí VN (Vietnam Entertainment Fund - VEF) do 5 nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước: Yeah1CMG, R&D Capital Group, Surfing Holdings, MBC Studio và Green International cùng góp vốn, hỗ trợ vốn, đảm bảo tài chính cho các nhà sản xuất phim tại VN. Với số vốn ban đầu khoảng 50 triệu USD (hơn 1.100 tỉ đồng), quỹ này tập trung ưu tiên cho những dự án phim điện ảnh mà họ nhận thấy có xác suất sinh lợi cao, đồng thời tư vấn về chiến lược truyền thông, phát hành...
Những dự án phim muốn quỹ này đầu tư sẽ phải trải qua vòng thẩm định từ các chuyên gia như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nhà sản xuất Lê Thanh Phong... Ông Nguyễn Cao Tùng, Giám đốc điều hành VEF, cho biết: “Mỗi dự án, quỹ sẽ góp 5 - 45%, tùy thuộc nhu cầu đơn vị sản xuất”.
Hiện quỹ này xác nhận đã góp vốn vào nhiều phim chiếu rạp trong năm 2018 như Trường học bá vương, Tiểu thư đi bụi, Game show tử thần, Thiên linh cái, Thánh nữ... Năm 2019 đã có các phim bấm máy như Táo quậy phiêu lưu ký, Yêu bất chấp, Mùa tử đằng yêu em, Những chàng trai xấu tính, Những đứa con từ trên trời rơi xuống...
Trong khi đó, Tập đoàn Landmark Asia Holdings (Hàn Quốc) cũng xác nhận sẽ đầu tư vào một công ty giải trí của VN bằng hình thức góp vốn vào những dự án điện ảnh. Ngoài vốn, Landmark còn cung cấp máy móc, công nghệ, nhân lực, hỗ trợ phát hành phim ở Hàn Quốc và một số nước châu Á. Còn Lotte Entertainment VN hiện đã có kế hoạch đầu tư vốn cho nhiều dự án phim, như mới đây hợp tác với Studio 68 của Ngô Thanh Vân làm Song Lang, với Chánh Phương Films làm Hồn papa da con gái...

Nếu Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh ra mắt sớm, đầu tư một phần kinh phí cho các nhà làm phim độc lập, thì sẽ là điểm cộng cho chúng tôi khi đem dự án phim tiếp tục kêu gọi quỹ đầu tư quốc tế

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

Cơ hội cho các nhà làm phim độc lập, nghệ thuật
Đạo diễn Lương Đình Dũng (nổi tiếng với phim nghệ thuật Cha cõng con) chia sẻ anh cùng một số nhà đầu tư sẽ cho ra mắt Quỹ hình ảnh VN để hỗ trợ các nhà làm phim trẻ. Ban đầu quỹ tập trung mở các khóa đào tạo điện ảnh cho học sinh trên toàn quốc.
Chương trình Gặp gỡ mùa thu được sáng lập bởi đạo diễn Phan Đăng Di, nhà biên kịch Mỹ Dung và nhà sản xuất Trần Bích Ngọc, có phần giảng dạy của đạo diễn Trần Anh Hùng; tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí cho nhiều dự án phim nghệ thuật, phim thương mại xuất sắc, giúp các nhà làm phim trẻ đến các chợ phim thế giới nhằm tìm cơ hội sản xuất. Bộ phim điện ảnh đầu tay Người vợ ba của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh, vừa giành giải thưởng Phim châu Á xuất sắc nhất (Best Asia Film) tại LHP Toronto (Canada), cũng từng nhận giải Dự án phim nghệ thuật xuất sắc tại Gặp gỡ mùa thu 2015.
Sau gần chục năm bàn thảo, dự kiến vào đầu năm 2019, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ chính thức được thành lập, có vốn do Chính phủ cấp; thêm các nguồn vốn từ việc trích tỷ lệ phần trăm trên giá vé xem phim (đề nghị 3%); nguồn thu từ phát hành, phổ biến những phim được sản xuất có sử dụng ngân sách nhà nước sau khi đã trừ đi mọi chi phí; nguồn thu từ các khoản đóng góp tự nguyện, viện trợ, tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn hợp pháp khác...
NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Quỹ này được thành lập với bộ máy riêng, có sự giám sát, quản lý của Bộ VH-TT-DL và của các cơ quan chức năng”. Đối tượng được quỹ hỗ trợ gồm: các nhà làm phim, tác phẩm điện ảnh, dự án sản xuất, quảng bá phim, dự án đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức trại sáng tác kịch bản, quảng bá phát hành phim VN trong và ngoài nước...
Báo cáo của VEF nhận định thị trường phim Việt mỗi năm đạt doanh thu 2.300 tỉ đồng, mức tăng trưởng 25% mỗi năm. Từ đầu năm 2018 đến nay, lượng phim Việt đạt doanh thu cao tăng so cùng kỳ.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết: “Trước đây, khi làm phim Đập cánh giữa không trung, ngoài nguồn vốn do chính bản thân bỏ ra, tôi không biết trông đợi vào nguồn quỹ hỗ trợ nào trong nước, đành phải gửi dự án phim đến các quỹ phát triển điện ảnh quốc tế. Các quỹ này cũng yêu cầu dự án phim đó phải có 50% vốn nội địa, hoặc ít nhất 20 - 30% vốn, rồi họ mới xem xét tài trợ thêm. Vì thế, nếu Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh ra mắt sớm, đầu tư một phần kinh phí cho các nhà làm phim độc lập, thì sẽ là điểm cộng cho chúng tôi khi đem dự án phim tiếp tục kêu gọi quỹ đầu tư quốc tế”.
Đạo diễn Lê Thanh Sơn (phim Em chưa 18) khẳng định: “Các quỹ đầu tư cho phim Việt ra mắt mở ra cơ hội làm phim cho các nhà làm phim trẻ, mới; giúp cộng đồng người làm phim VN đông hơn, phim ra rạp nhiều hơn thì tất nhiên sẽ có nhiều phim chất lượng hơn. Sau này nếu làm một bộ phim nghệ thuật, độc lập, chắc chắn tôi sẽ không ngần ngại tới Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh của nhà nước để xin kinh phí sản xuất”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.