Xuất khẩu bùng nổ nhờ các hiệp định thương mại

07/05/2022 06:47 GMT+7

Các doanh nghiệp trong nước đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh xuất khẩu và mang lại sự tăng trưởng kim ngạch mạnh mẽ.

Bùng nổ, tăng tốc

Mới giữa quý 2/2022 nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đã phải nỗ lực đáp ứng các đơn hàng dồn dập. Bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng giám đốc Công ty Hugaco (Hưng Yên), cho biết: “Đến thời điểm hiện nay các đơn hàng của DN chúng tôi đã lấp đầy đến hết tháng 9. Công ty vẫn tiếp tục đàm phán, ký hợp đồng với các đối tác đến hết năm nhằm bảo đảm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Với tình hình thuận lợi này, năm 2022 Hugaco phấn đấu đạt doanh thu khoảng 750 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 80 tỉ đồng, thu nhập bình quân người lao động hằng tháng trên 10 triệu đồng/người”.

Tương tự, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, hồ hởi: “Lượng đơn hàng của đơn vị chúng tôi tương đối dồi dào, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động. Ngoài những đơn hàng đáp ứng mùa vụ, hiện các mặt hàng truyền thống như veston, áo sơ mi đã tăng trở lại và có những đơn hàng đã ký đến hết năm”. Theo ông Việt, để đạt tổng doanh thu 3.800 tỉ đồng đề ra, Tổng công ty May 10 tiếp tục đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, mở rộng cơ sở sản xuất, nâng cao năng lực và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Xuất khẩu ngành dệt may đang tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do

Gia Hân

Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến hết tháng 4.2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 122 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Điểm nổi bật trong năm nay là DN trong nước tăng đến 21,6%, cao hơn so với DN có vốn đầu tư nước ngoài (chỉ tăng 14,7%). Điều này cho thấy sự nỗ lực của các DN trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp, chi phí vận chuyển tăng cao… Bộ Công thương cũng đánh giá năm 2022 sẽ là một năm “bùng nổ” trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, nhiều mặt hàng sẽ thiết lập các kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, 3 nhóm ngành dệt may, da giày, nông - lâm - thủy sản có sự tăng tốc ấn tượng nhất. Xuất khẩu nhóm nông - lâm - thủy sản đang tăng trưởng mạnh và tăng đều ở hầu khắp các thị trường. Cụ thể, trong 4 tháng qua, nhóm ngành này ước đạt trên 10 tỉ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điểm sáng đáng chú ý trong nhóm hàng này là xuất khẩu thủy sản tiếp tục đạt trên 1 tỉ USD trong tháng 4, tăng gần 40% so với tháng 4.2021. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp mặt hàng này xuất khẩu vượt mức 1 tỉ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, riêng xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt gần 3,6 tỉ USD, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu của Tổng cục Hải quan, quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 5,288 tỉ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng cao trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trong nước và nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Ngành da giày đặt kỳ vọng cán mốc xuất khẩu 20 tỉ USD trong năm 2022, tăng 12,7% so với năm 2021.

Tận dụng tốt ưu đãi thuế quan từ FTA

Nhận định về các kết quả khả quan trên, Bộ Công thương cho rằng đó là do các DN đã tận dụng tốt cơ hội thị trường và thuế quan mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Việt Nam ký hợp tác FTA song phương và đa phương với nhiều đối tác, từ đó mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa. Mặt hàng giày dép có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo FTA khá cao, chiếm 96% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Ngành này tận dụng được ưu đãi thuế quan nhờ tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của DN Việt Nam.

Ưu đãi FTA cũng được các DN ngành nông - lâm - thủy sản tận dụng tốt. Theo Bộ NN-PTNT, 4 tháng đầu năm 2022 đã có 5 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận định: “Hiện tại nhu cầu gỗ và đồ nội thất trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục tăng và DN ngành gỗ, đặc biệt là ngành nội thất cũng đã kín đơn hàng đến hết quý 3/2022, thậm chí là hết năm 2022. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu ngành gỗ đạt 16 tỉ USD là hoàn toàn có thể thực hiện được”. Theo ông Lập, hàng loạt FTA đang được thực thi như EVFTA, CPTPP tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm khi mức thuế giảm dần về 0%. Bên cạnh đó, Trung Quốc - nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới lại hạn chế xuất khẩu để chống dịch Covid-19; Ý, Đức và các nước phát triển khác đang giảm sản xuất do ảnh hưởng suy thoái và chi phí tăng cao… Đây là cơ hội để VN gia tăng xuất khẩu mặt hàng này.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), nhận xét: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn khu vực (RCEP) là một FTA thế hệ mới đã tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và GDP tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu, trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. Trong khối Hiệp định RCEP có một số nước là thành viên của Hiệp định CPTPP sẽ hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu “đầu vào” vì sẽ giúp bổ trợ phần nguyên liệu bị thiếu hụt trong nước hiện nay. Đơn cử, Nhật Bản là một thị trường tiềm năng, nếu như trước đây, hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản (trong khi Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc), thì nay với Hiệp định RCEP, hàng may mặc được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, đối với bất kỳ FTA nào, DN luôn luôn khuyến khích cũng như phổ biến kiến thức cho các đơn vị về lộ trình giảm thuế, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan, thuận lợi hóa thương mại... Ngoài ra, tập đoàn cũng tổ chức các chuyến kết nối thực tế giữa DN trong Vinatex với khách hàng để DN chủ động tìm hướng hợp tác, thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tối đa các lợi ích mà hiệp định này mang lại.

Cẩn trọng từ mặt trái của FTA

Tham gia các FTA sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào các lĩnh vực sản xuất, tuy nhiên đây là một thách thức lớn đối với ngành sản xuất trong nước. Với những lợi ích thu được từ các cam kết trong FTA, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào các ngành sản xuất trong nước, gây ra áp lực cạnh tranh với DN trong nước. Khi đó, các sản phẩm hàng hóa trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của các DN FDI, đặc biệt là cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, những tiêu chuẩn về lao động và môi trường ở mức độ cao cũng là một trong những khó khăn lớn đối với xuất khẩu hàng hóa Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới. Để cạnh tranh bình đẳng thông qua việc đảm bảo các điều kiện làm việc cơ bản cho người lao động, các FTA thế hệ mới thường đưa ra những cam kết riêng về lao động. Tuy nhiên, việc chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn về lao động cần có khoảng thời gian nhất định, do đó đáp ứng quy định về lao động để được hưởng các ưu đãi là một thách thức với các ngành sản xuất hàng hóa ở Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Thị Thu Hiền, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công thương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.