Xuất khẩu cà phê 'chỉ dẫn địa lý' gặp khó

05/12/2014 10:00 GMT+7

Cà phê có chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Buôn Ma Thuột đang chật vật tìm đường xuất khẩu vì khách hàng nước ngoài chưa hoàn toàn công nhận.

Một lô hàng đóng nhãn CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột của Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk
Một lô hàng đóng nhãn CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột của Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk - Ảnh Ngọc Quyền

Lượng xuất quá ít

Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), hiện tỉnh này có 10 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh cà phê được cấp quyền sử dụng CDĐL Buôn Ma Thuột, với diện tích 15.086 ha, sản lượng đăng ký hàng năm 46.621 tấn cà phê nhân. Tuy nhiên, trong niên vụ 2013-2014, mới có duy nhất Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk xuất khẩu được hơn 7.000 tấn cà phê nhân có CDĐL, với giá trị tăng thêm khoảng 40-60 USD/tấn. Thị trường nhập khẩu cà phê CDĐL là Nhật, Ukraina, Bosnia, Rumani, Bỉ, Đài Loan, Hồng Kông, Nga.

So với sản lượng cà phê CDĐL đã đăng ký, lượng xuất khẩu mới chỉ đạt 15%. Nếu so với toàn vùng địa danh Buôn Ma Thuột hơn 100.000 ha, sản lượng hơn 200.000 tấn/năm thì con số cà phê đóng nhãn CDĐL được khách hàng nước ngoài tiêu thụ còn quá nhỏ bé.

Một số DN cho rằng nguyên nhân tình hình trên chủ yếu do khách hàng chưa biết nhiều về CDĐL Buôn Ma Thuột và chưa công nhận. Ông Nguyễn Xuân Thái, giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi, cho biết công ty đã được cấp quyền sử dụng CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột nhưng chưa thành công trong việc thuyết phục đối tác nhập khẩu chấp nhận nhãn hiệu này. Theo ông Thái, mặc dù thừa nhận cà phê trong vùng địa danh Buôn Ma Thuột nổi tiếng thơm ngon nhưng phần lớn các nhà nhập khẩu chỉ công nhận sản phẩm cà phê sản xuất có các chứng nhận quốc tế. “Khách hàng của Thắng Lợi là một nhà mua cà phê trung gian của Nhật trả lời “vẫn đang bàn”, chưa thống nhất với đề nghị đóng nhãn CDĐL Buôn Ma Thuột lên bao bì xuất khẩu. Chúng tôi cũng đề nghị nhà nhập khẩu này trả thêm 5-10 USD/tấn cho sản phẩm có CDĐL nhưng chưa được đồng ý”, ông Thái nói.

Cạnh tranh với cà phê có chứng nhận

So với cà phê CDĐL Buôn Ma Thuột, cà phê có chứng nhận quốc tế được triển khai sản xuất tại Đắk Lắk có “thâm niên” nhiều hơn. Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, hiện tỉnh này xây dựng được 25 liên minh sản xuất cà phê bền vững với các chứng nhận như: Utz Certified, 4C, RFA (Rừng mưa), Fairtrade (thương mại công bằng)…, với tổng diện tích 67.808 ha, sản lượng hơn 222.700 tấn, chiếm 26,2% diện tích và 37,6% sản lượng cà phê của tỉnh.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho rằng cà phê có chứng nhận vốn đã được các tập đoàn thương mại xuyên quốc gia đã cam kết mua hơn 10 năm qua nên cà phê CDĐL “sinh sau đẻ muộn” khó cạnh tranh ngang ngửa ngay được. “Dù có cam kết tiêu thụ nhưng cà phê có chứng nhận cũng mới bán được từ 30-40% sản lượng. Do đó, cà phê CDĐL xuất khẩu còn ít là điều dễ hiểu”, ông Minh nhận xét.

Theo ông Minh, để được khách hàng công nhận sản phẩm cà phê CDĐL Buôn Ma Thuột phải có thêm thời gian và đòi hỏi có chiến lược quảng bá sâu rộng ở phạm vi quốc tế, đồng thời với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu CDĐL Buôn Ma Thuột ở các quốc gia. Hiện có 6 nước bảo hộ nhãn hiệu này là Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Lucxembourg và Thái Lan. “Dù còn khó nhưng các DN cần tìm cách thúc đẩy đưa CDĐL vào các giao dịch, khai thác giá trị gia tăng đem lại từ CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột. Nếu đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu CDĐL ở một nước nào đó mà không có sản phẩm nhập vào thì sau một thời gian quy định, nước này sẽ hủy bỏ đăng ký bảo hộ”, ông Minh cho biết.

Ngọc Quyền

 >> Xuất khẩu cà phê vượt gạo tới 284 triệu USD
>> Khó xuất khẩu cà phê tại chỗ
>> Xuất khẩu cà phê dễ gặp rủi ro
>> Chưa đồng thuận thu phí xuất khẩu cà phê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.