(TNO) Tại buổi họp giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà phê diễn ra ngày 14.5 tại TP.HCM, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam Lương Văn Tự cho hay do không nắm rõ pháp lý, năng lực cạnh tranh kém nên xuất khẩu cà phê rất dễ gặp rủi ro, thua thiệt.
Theo ông Tự, để tránh tình trạng trên, cần phải từng bước xây dựng hợp đồng mẫu để doanh nghiệp làm chuẩn, học hỏi. Ngoài ra doanh nghiệp nên mạnh dạn tham gia theo đuổi vụ kiện khi có tranh chấp chứ không nên ngần ngại, để từ đó bị đối tác nhập khẩu bắt chẹt.
Ông Nguyễn Hữu Chí, Ủy viên chuyên trách Hội đồng cạnh tranh Bộ Công thương cho hay việc ký kết hợp đồng giữa các đơn vị cung ứng cà phê trong nước hiện quá đơn giản. Thậm chí nhiều trường hợp còn không ký hợp đồng, khó đảm bảo tính công bằng trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Khi xảy ra sự cố thì người trồng cà phê thường bị thua thiệt.
Mới đây, qua kiểm tra của Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, đã phát hiện 24 doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân) và đại lý mua bán nông sản đóng cửa, ngưng hoạt động kinh doanh do vỡ nợ cà phê. Trong đó, có 14 doanh nghiệp đã nhận ký gửi và huy động tiền của nông dân trồng cà phê có giá trị lên đến 80 tỉ đồng.
Trung Hiếu
>> Khốc liệt thị trường cà phê
>> Cà phê... hái dối
>> Kim ngạch xuất khẩu cà phê cao hơn gạo
>> Cà phê Robusta giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa Singapore
>> Nông sản Việt "lên ngôi
>> Xuất khẩu cà phê gặp khó
Bình luận (0)