Đơn hàng tăng
Công ty giày Vinh Thông (TP.HCM) đã có đơn đặt hàng đủ sản xuất đến hết tháng 11 năm nay. Theo ông Trần Đức Hạnh - Giám đốc điều hành, lượng đơn hàng của công ty năm nay tăng khoảng 20%, chủ yếu đến từ khách hàng châu u (EU). Đây là kết quả sau khi EU bỏ thuế chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam từ cuối tháng 3.2011. Bên cạnh đó, một số khách hàng cũng có dịch chuyển thêm lượng đơn hàng trước đây sản xuất tại Trung Quốc do giá gia công tại nước này tăng cao… Tổng công suất hiện nay của Vinh Thông đạt 2,3 triệu đôi giày/năm. Công ty đang lên kế hoạch sang năm 2012 sẽ đầu tư xây dựng thêm một xưởng may giày tại Đồng Tháp để tăng năng suất lên thành 3 triệu đôi/năm.
|
Tương tự, lượng đơn hàng dệt may đặt gia công cũng đã tăng ở mức 15%. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, nhận định xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ thị trường Trung Quốc sang các nước khác như Bangladesh, Campuchia, Myanmar và Việt Nam đã diễn ra từ 1-2 năm trước và đang tăng mạnh từ đầu năm nay. Trong đó, Việt Nam có ưu thế về chất lượng sản phẩm nên thu hút khách hàng nhiều hơn. Ngành sản xuất đồ gỗ, kim ngạch xuất khẩu của cả ngành trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2010.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Hạnh - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến gỗ và Thủ công mỹ nghệ TP.HCM, bản thân nhiều doanh nghiệp (DN) không muốn nhận đơn hàng dài hạn do chi phí đầu vào biến động quá nhiều dễ dẫn đến thua lỗ. Thậm chí, một số công ty không dám ký hợp đồng nhiều vì lợi nhuận không gia tăng được bao nhiêu so với số lượng. Theo phân tích của các DN, trong khi chi phí đầu vào gồm nguyên phụ liệu, nhân công, điện… tăng 25 - 30% thì khách hàng chỉ chấp nhận ký đơn hàng với giá tăng từ 5 - 10% so với năm trước.
Thận trọng
Mặc dù tình hình xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm khá thuận lợi nhưng từ đầu tháng 7 đến nay, thị trường tiêu thụ chung tại Mỹ, EU đã không còn khả quan. Điều đó bắt đầu ảnh hưởng đến lượng đơn hàng tại Việt Nam. Đại diện một DN tại TP.HCM cho biết lượng đơn hàng xuất khẩu của công ty đã được chốt cho 6 tháng cuối năm với tổng trị giá khoảng 19 triệu USD. Tuy nhiên, sang tháng 7, một số khách hàng đã điều chỉnh giảm số lượng và tổng cộng trị giá các đơn hàng của DN này chỉ còn khoảng 14 triệu USD. Vì vậy, ông đang khá lo lắng vì ngoài việc giảm số lượng, kế hoạch sản xuất của công ty cũng phải điều chỉnh cho phù hợp và đây là thế bị động mà các DN Việt Nam luôn phải gánh chịu.
Ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty sản xuất thương mại may Sài Gòn, cho biết đơn hàng trong 6 tháng cuối năm đã chựng lại. Trong đó, một số khách hàng kéo dài thời gian giao hàng so với kế hoạch ban đầu do tình hình tiêu thụ đang chậm đi. Ông Hùng chia sẻ: “Tôi e ngại tình hình khó khăn sẽ kéo dài sang năm 2012 khi kinh tế Mỹ, EU vẫn chưa khởi sắc. Vì vậy, các DN ngoài việc phải đẩy mạnh gia tăng năng suất còn phải lo tìm nhiều nguồn hàng mới để bù đắp những đơn hàng thiếu hụt có thể xảy ra”.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, từ tháng 7 đến nay, các khách hàng cũng đã tỏ ra thận trọng hơn. Nếu DN nào có kế hoạch mở rộng ồ ạt thì phải tính đến những rủi ro khác như thiếu đơn hàng, không đạt hiệu quả cao. “Thời điểm hiện nay việc đầu tư mở rộng là không khả thi. Quan trọng nhất là đầu tư chiều sâu như tăng thêm máy móc trang thiết bị, nâng cao năng suất và chuyển dần sang hình thức tự doanh (may hàng FOB)”, ông Hồng nói.
Mai phương
Bình luận (0)