Xuất khẩu dược liệu thô, nhập trở lại rác dược liệu

Nguyên Nga
Nguyên Nga
16/01/2019 19:24 GMT+7

Nhiều dược liệu quý của Việt Nam được xuất thô sang nước ngoài, được chiết hết hoạt chất rồi bán lại bã dược liệu (thật ra là rác) về lại cho Việt Nam sản xuất thuốc đông y, thực phẩm chức năng.

Thực trạng trên được PGS.TS Hồ Bá Do - Phó chủ tịch Hội Y học cổ truyền Việt Nam đồng thời là Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam, nêu lên tại Hội thảo “Gian lận thương mại - Hệ lụy và giải pháp” do Công ty Truyền thông Quốc tế Hàn - Việt tổ chức tại TP.HCM sáng nay (16.1).

Nhập rác dược liệu từ lá, sâm…

Theo PGS.TS Hồ Bá Do, do điều kiện tự nhiên, Việt Nam có nguồn dược liệu cực kỳ dồi dào. 12.000 loài thực vật, trong đó có 6.000 loài cây thuốc, 408 loài động vật và 75 loài khoáng vật có tác dụng làm thuốc. Hiện tại, trữ lượng khai thác 70 loài có tiềm năng với sản lượng 18.000 tấn mỗi năm đã làm cạn kiệt nguồn dược liệu và nguy cơ tuyệt chủng vùng dược liệu ngày càng tăng. Ví dụ, lá dành cho con dê ăn là dâm dương hoắc, là loại thuốc quý mọc vùng cao Việt Nam. Năm 2007, các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu và công bố trong lá này có chất sinh và dưỡng tinh trùng giúp điều trị trong hiếm muộn… Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn là lá dâm dương hoắc này cũng như các dược liệu quý khác được nhiều thương lái Trung Quốc vào các thôn bản thu mua sạch đã mấy chục năm nay, đưa về Trung Quốc hút hết hoạt chất bằng hệ thống chiết xuất lấy tinh chất bằng công nghệ cao áp. Sau đó, bã dược liệu với hình thức, màu, mùi vị nhưng không còn chất từ Trung Quốc được xuất trở lại Việt Nam với giá rẻ và được tiêu thụ mạnh.
Lấy ví dụ sâm ngọc linh, loại sâm hàng đầu thế giới được phát hiện tại Việt Nam theo các chuyên gia, cây sâm ngọc linh phải được trồng 6 năm mới có thu hoạch được. Hiện sâm bán tràn lan trên thị trường toàn là sâm giả từ Trung Quốc, thậm chí ngay thủ phủ trồng sâm ngọc linh của Việt Nam cũng tràn lan sâm giả. Tương tự với lan gấm 5 triệu một cân tươi, 10 triệu cân khô, nay không tìm ra để bán. Lá dâm dương hoắc khô đang được bán tràn lan ở thị trường Việt Nam trong chợ Sapa, đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM) giá 30.000 đồng/kg chỉ là lá khô. Ông nói: “Làm gì có lá dược liệu này giá rẻ mạt vậy? Tiền triệu không mua được để bào chế thuốc, sao có vài chục ngàn vậy mà bán tràn lan. Vấn đề này ai trong nghề cũng phải biết nhưng mắt nhắm mắt mở để làm ăn kinh doanh”.
Nhiều ý kiến cho rằng, xử phạt với hành vi làm hàng giả vẫn còn thiếu tính răn đe Ng.Ng

Xử phạt còn yếu tính răn đe

Ngoài nguồn dược liệu, thông tin tại hội thảo các chuyên gia cũng rằng, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam đáng báo động, hàng giả, hàng đểu tràn lan. Trong khi tốc độ phát triển các cơ sở thực phẩm chức năng tăng nhanh như vũ bão, song cơ sở làm được hàng chất lượng đủ chuẩn để xuất khẩu vô cùng hiếm hoi. Số liệu từ Bộ Y tế được cập nhật tại hội thảo cho thấy, năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với 63 sản phẩm. Tuy nhiên, đến năm 2016 đã có đến 1.872 cơ sở sản xuất, với 3.447 sản phẩm. Chưa cập nhật con số chính xác, nhưng theo Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam, con số trên đã tăng hơn nhiều. Điểm yếu của thực phẩm chức năng Việt Nam là hiện chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn nào cả. Mạnh ai nấy làm, nấy bán.
Ngay với các thị trường lân cận, chúng ta cũng chưa thể cạnh tranh nổi khi một sản phẩm thực phẩm chức năng của Thái Lan cũng có đẩy đủ 5 tiêu chuẩn trong sản xuất. Việt Nam với yêu cầu đạt chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP) đến nay cũng chỉ có hơn chục cơ sở đạt chuẩn này. Theo quy định, đến ngày 1.7 tới đây, quy định các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng phải áp dụng GMP, chắc chắn tình trạng sản xuất chui thực phẩm chức năng sẽ phổ biến. Bởi đầu tư đạt chứng nhận GMP tốn vài chục tỉ đồng, không cơ cơ sở nào đủ khả năng để làm, ngoại trừ các doanh nghiệp lớn.
Liên quan đến vấn nạn sản xuất hàng giả nói chung và dược phẩm giả nói riêng, nhiều kiến nghị đưa ra tại hội thảo cho rằng, các hình thức phạt với hành vi làm giả phải được tăng mạnh hơn, có tính răn đe hơn, chứ không thể phạt cho qua chuyện. Lấy dẫn chứng vụ tiêm thuốc an thần cho gần 4.000 con heo bị phát hiện tại điểm giết mổ TP.HCM nhưng chỉ bị phạt 20 triệu đồng, trong khi tại Đài Loan, một trang trại trồng chè, nếu bị phát hiện một cây chè có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, mức phạt có thể khiến chủ trang trại đó sạt nghiệp.
Ông Do nói, hình thức xử phạt hành vi vi phạm làm dối, giả tại các nước rất cao, trong khi Việt Nam phạt chỉ phạt hành chính. Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM dẫn một số điều luật áp dụng hành vi gian lận trong thương mại và cho rằng, nếu được áp dụng đúng và xử lý nghiêm đúng luật vẫn có hiệu quả hơn tình trạng hiện nay. “Việt Nam còn có những quy định như vào bắt tận tay cơ sở đó đang làm hàng giả nhưng vì hàng hóa đó chưa được tiêu thụ trên thị trường, nên việc xử lý cũng sẽ nhẹ hơn là hàng hóa đã lưu thông. Với các nước lại khác, đã làm giả khi bị phát hiện thì hình thức xử phạt như nhau”, luật sư Trương Thị Hòa chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.