Những phản ứng đầu tiên
Ngày 7.10, Thái Lan sẽ chính thức áp dụng chính sách bảo hộ giá gạo sản xuất trong nước. Theo đó, chính phủ bảo đảm giá gạo của người dân không thấp hơn 15.000 baht/tấn (500 USD/tấn) hoặc 25.000 baht/tấn (650 USD/tấn) đối với gạo chất lượng cao, tức cao hơn 50% so với mức hiện nay (330 USD/tấn). Có khoảng 50% trong tổng số 8 triệu nông dân trồng lúa đăng ký tham gia chương trình bảo hộ này của chính phủ. Olarn Chaipravat, cố vấn của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, dự đoán chính phủ sẽ chi ra 400 tỉ baht để mua 25 triệu tấn gạo từ nông dân trong năm đầu tiên thực hiện chính sách mới.
|
Ông Vichai Sriprasert, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, gọi đây là chính sách ngược vì làm cho gạo xuất khẩu của Thái Lan trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới, điều mà hầu hết các chính phủ đều tránh làm. “Chính phủ tìm cách làm gia tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa của nước mình chứ không phải làm ngược lại”, ông Vichai phát biểu trong một cuộc gặp với báo chí nước ngoài tại Bangkok vừa qua. Ông Vichai tính toán chính sách mới sẽ bảo đảm thu nhập cho người nông dân Thái Lan khoảng 10.000 baht/tháng (330 USD/tháng), nếu tính trên chi phí bỏ ra thì tỷ suất lợi nhuận tương đương 150% so với hiện nay khoảng 50-100%. Dù thu nhập như vậy, nông dân Thái vẫn bị xem là nghèo vì phần lớn họ sở hữu ít đất trồng.
Thái Lan đã thống lĩnh ngôi vị vô địch quá lâu, bây giờ là lúc phải nhường ngôi vị đó cho nước khác, tôi nghĩ đó là Việt Nam |
||
Ông Vichai Sriprasert, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan |
||
Thuận lợi cho Việt Nam
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia ở Thái Lan về chính sách bảo hộ giá gạo của chính phủ đảng Puea Thai. Ông Antonio Berenguer, Trưởng thương vụ thuộc Phái đoàn châu u tại Thái Lan, nói rằng với chính sách mới, các nhà xuất khẩu Thái Lan sẽ tạo ra một “khoảng trống” lớn trên thị trường gạo thế giới và Việt Nam sẽ lấp vào khoảng trống đó. “Nếu tình hình vẫn tiếp diễn, không lâu nữa Việt Nam sẽ qua mặt Thái Lan”, ông Berenguer nói với Thanh Niên. Ông Vichai Sriprasert cũng nhận định: “Thái Lan đã thống lĩnh ngôi vị vô địch quá lâu, bây giờ là lúc phải nhường ngôi vị đó cho nước khác, tôi nghĩ đó là Việt Nam”. Theo ông Vichai, gạo Việt Nam và Thái Lan không quá khác biệt về chủng loại và chất lượng nên cơ hội xuất khẩu sẽ mở ra nhiều hơn cho Việt Nam khi Thái Lan áp dụng chính sách bảo hộ. Tuy nhiên, không phải chỉ có Việt Nam, Myanmar, Campuchia và cả Ấn Độ cũng sẽ chia sẻ thị phần cùng với Việt Nam.
Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 30% thị phần toàn cầu. Theo các chuyên gia quốc tế, chính sách mới của Thái Lan sẽ tạo ra khoảng thiếu hụt lớn trong nguồn cung gạo toàn cầu. Thái Lan sản xuất khoảng 20 triệu tấn gạo và trung bình hằng năm xuất khẩu một nửa trong số này. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, gạo xuất khẩu của Thái Lan năm nay giảm xuống khoảng 7 triệu tấn vì chính sách mới. Tuy nhiên với giá cao, Thái Lan kỳ vọng dù số lượng giảm nhưng kim ngạch sẽ không giảm mạnh. Và để bù đắp sự sụt giảm trong giá trị, Thái Lan kêu gọi nông dân tập trung vào chất lượng gạo. Ngoài ra các nhà xuất khẩu Thái Lan cũng tính chuyện bắt tay với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội Xuất khẩu gạo hai nước tổ chức tuần qua tại Chiang Mai, hai bên đạt một thỏa thuận không giảm giá bán nhằm tránh gây bất lợi cho việc xuất khẩu gạo của hai nước.
Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2011 Việt Nam xuất khẩu 5,3 triệu tấn gạo trị giá hơn 2,6 tỉ USD. Theo dự báo, năm 2011 Việt Nam sẽ xuất khẩu 7 triệu tấn gạo. Nếu thực hiện được, đây sẽ là con số kỷ lục về xuất khẩu gạo của Việt Nam, tương đương với mức dự báo xuất của Thái Lan. |
Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)
Bình luận (0)