Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, trong nửa đầu tháng 2 (từ ngày 1 - 15.2), xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 353,97 triệu USD; lũy kế từ đầu năm đến ngày 15.2 đạt 1,82 tỉ USD, tăng 0,61 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Mỹ chi hơn 800 triệu USD nhập gỗ Việt trong tháng 1
Tính riêng trong tháng 1, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,47 tỉ USD, tăng 9,7% so với tháng trước và tăng 83,1% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1 chủ yếu gồm: Mỹ (821 triệu USD, tăng 123,6%), Trung Quốc (170 triệu USD, tăng 35,3%), Nhật Bản (163 triệu USD, tăng 27,3%), Hàn Quốc (70 triệu USD, tăng 9,7%)...
Nhìn vào diễn biến xuất khẩu trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2 có thể thấy tốc độ tăng trưởng trong tháng 1 cao vọt. Đây cũng là diễn biến thông thường, tương tự các năm trước.
Trao đổi với Thanh Niên chiều nay 24.2, một vị chuyên gia lâu năm trong ngành gỗ phân tích, trị giá xuất khẩu 1,47 tỉ USD của tháng 1 cũng tương tự gần 1,5 tỉ USD của tháng 1.2022, cao hơn một chút so với 1,3 tỉ USD của tháng 1.2021.
"Tuy trị giá xuất khẩu cao hơn hẳn tháng 1.2023 song đây không phải điều khó hiểu, bởi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ cuối năm 2022 đã trên đà giảm và kéo dài sang đầu năm 2023", vị này nói.
Trên thực tế, từ tháng 10, tháng 11 và tháng 1 năm sau, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường luôn tăng rất cao so với các tháng còn lại trong năm. Lý do, tháng 2 thường có đợt nghỉ tết Nguyên đán của Việt Nam, nên khách mua hàng ở mọi thị trường đều ráo riết mua từ trước đó để tránh bị ảnh hưởng.
Xuất khẩu gỗ sang Mỹ tăng vọt hơn 120%
Xuất khẩu mới khởi sắc rõ nét sau tháng 6
Riêng về con số xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường hàng đầu của Việt Nam là Mỹ, trao đổi với Thanh Niên, đại diện một số doanh nghiệp trong ngành gỗ nhận định trị giá xuất khẩu dù tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2023 nhưng cũng không có gì quá bất ngờ.
"Tháng 1.2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt khoảng hơn 300 triệu USD, chủ yếu do tình hình kinh tế khó khăn. Thực tế, xuất khẩu toàn ngành trong năm 2023 đều giảm. Tuy nhiên, nếu so sánh với trị giá xuất khẩu 881 triệu USD của tháng 1.2022 thì trị giá xuất khẩu năm nay thậm chí còn thấp hơn; tháng 1.2021, trị giá xuất khẩu sang Mỹ cũng tương đương năm nay", vị chuyên gia lâu năm trong ngành gỗ nói.
Triển vọng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nói chung trong thời gian tới được các doanh nghiệp nhìn nhận khó đoán định. Riêng với thị trường Mỹ, lượng tồn kho các mặt hàng còn nhiều, cộng với những diễn biến chính trị khó lường khiến cho công tác dự báo càng khó khăn hơn.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang tỏa đi các thị trường để tìm hiểu, đánh giá thực tế nhu cầu thị trường. Dự báo, phải sau tháng 6, bức tranh xuất khẩu toàn ngành gỗ mới rõ nét hơn.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), thị trường dù đã có dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số rủi ro cho ngành.
"Năm 2024, ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn. Giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải", ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.
Bình luận (0)