Lao động xuất khẩu lương cao nhưng nhiều người vẫn không mặn mà

08/02/2023 14:11 GMT+7

Nhu cầu tuyển dụng lao động xuất khẩu đang tăng cao từ đầu năm nay, nhất là ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Tuy nhiên, các công ty tuyển dụng lại đang gặp khó khi nguồn lao động hạn chế.

Xuất khẩu lao động đỏ mắt tìm ứng viên  - Ảnh 1.

Các ứng viên thi tuyển tiếng Nhật trước khi lên đường đi làm việc ở nước ngoài

ĐINH ĐANG

Doanh nghiệp nỗ lực chào mời

Ngay đầu năm 2023, các công ty xuất khẩu lao động đã lập tức chạy đua để hoàn thành chỉ tiêu cam kết với đối tác nước ngoài. Tại Công ty Đầu tư quốc tế Dako (Hải Dương), mỗi ngày có hàng chục lượt ứng viên đến tìm hiểu theo thông tin chào mời tuyển dụng. Đại diện công ty này cho biết: "Hiện nay các đơn hàng tuyển lao động từ các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Úc… rất lớn, thu nhập cao và điều kiện đãi ngộ hấp dẫn. Lương thực tập sinh, lao động bình quân 30 - 60 triệu đồng/tháng chưa tính tăng ca. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung đáp ứng đơn hàng từ thị trường Nhật Bản, chứ chưa đủ nguồn lực để khai thác sâu các thị trường khác. Nhu cầu phải nói là tăng rất mạnh, cần nhất là các công việc chế biến thực phẩm, may mặc, quy trình phỏng vấn cũng được thực hiện qua mạng nên rất thuận lợi cho các ứng viên, thậm chí với những ứng viên đạt yêu cầu chúng tôi còn ứng trước tiền vé máy bay để tạo điều kiện cho họ".

Ông Nguyễn Xuân Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Nhân lực quốc tế Sovilaco (Q.Tân Bình, TP.HCM), nhận định lĩnh vực xuất khẩu lao động sẽ bùng nổ trong năm 2023, bởi những tín hiệu khả quan từ các thị trường truyền thống đến những thị trường mới cao cấp hơn. Tại những thị trường truyền thống, yếu tố cộng đồng sẽ giúp thu hút người lao động trong nước đi xuất khẩu lao động nhiều hơn. Chẳng hạn như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là những nơi có cộng đồng người Việt rất đông đang sinh sống và làm việc.

Theo ông Trung, mức thu nhập cao, đa dạng chương trình làm việc đang là thế mạnh của thị trường Hàn Quốc. Mỗi năm, nước này tiếp nhận khoảng 59.000 lao động nước ngoài đến làm việc theo chương trình EPS. Ngoài các ngành nông nghiệp, Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng những công việc ngành ngư nghiệp cho lao động thời vụ trong năm 2023 như: nuôi trồng tảo biển, sản xuất bào ngư, chế biến hàu biển...

"Chương trình làm việc thời vụ rất phù hợp với lao động nữ lớn tuổi bởi thời gian đi ngắn, chi phí rất thấp, yêu cầu tuyển dụng đơn giản. Lao động nữ lớn tuổi mất việc trong nước nên tìm hiểu chương trình này, mỗi năm đi 2 lần, có thể đi nhiều lần trong nhiều năm. Nếu làm tốt, thu nhập cho lần 3 tháng hoặc 5 tháng chắc chắn cao hơn cả năm làm công nhân ở Việt Nam" - ông Trung nói.

Cung không đủ cầu

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là 142.779 lao động (48.835 nữ), đạt 158,64 % kế hoạch được giao, tăng gấp 3 lần so với năm 2021. Trong đó 3 thị trường chính là Nhật Bản (67.295 lao động), Đài Loan (58.598 lao động), Hàn Quốc (9.968 lao động), Singapore (1.822 lao động)…

Xuất khẩu lao động đỏ mắt tìm ứng viên  - Ảnh 2.

Một kỹ sư người Việt đang thi tuyển trực tuyến để xuất khẩu làm việc tại Nhật Bản. Nếu được tuyển dụng, thu nhập có thể lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng

ĐINH ĐANG

Trong năm 2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch được Chính phủ và Bộ giao đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là các doanh nghiệp chào mời khá nhiều nhưng lao động lại chưa mặn mà lựa chọn hoặc quyết định tham gia. Đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lao động có vốn Nhật Bản, chia sẻ: "Chúng tôi có văn phòng chi nhánh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, tuy nhiên việc tuyển dụng lao động lại đang gặp khá nhiều trở ngại, trong đó quan trọng nhất vẫn là tâm lý và quyết tâm của người lao động. Ngôn ngữ nếu được trang bị sẵn sẽ là một lợi thế, nếu chưa biết thì vẫn được công ty đào tạo. Nhưng tâm lý chung người lao động trẻ là muốn ở cùng với gia đình, bạn bè, cộng đồng gần gũi. Công việc đi làm ở xa quê hương trong thời gian dài khiến họ cân nhắc".

Anh Cao Anh Tuấn, nhân viên vận chuyển ngụ tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) bộc bạch: "Tôi có đứa em trai vừa mới thất nghiệp vì công ty phá sản, thấy nhiều bạn bè đi xuất khẩu lao động về sau vài năm có thể tích lũy được vài trăm triệu đồng, tôi khuyên em trai đăng ký đi làm ở nước ngoài, vừa đỡ đần được trong giai đoạn khó khăn, vừa học hỏi thêm phong cách làm việc chuyên nghiệp, nhưng em tôi đắn đo vì sợ phải xa gia đình, vợ con". Anh Nguyễn Hoàng Ân, công nhân một công ty may mặc ngụ tại H.Hóc Môn (TP.HCM) cho biết: "Tôi và vợ từ trước tết đều bị công ty cho nghỉ việc vì đơn hàng ít. Tôi cũng muốn đăng ký đi xuất khẩu lao động nhưng sợ bị lừa gạt vì có nhiều trường hợp xảy ra rồi".

Lo lắng này không phải là không có cơ sở. Một số địa phương tại khu vực ĐBSCL đã phải phát hành văn bản cảnh báo tình trạng lợi dụng việc tuyển dụng xuất khẩu lao động, sử dụng danh nghĩa đại diện pháp nhân thương mại của công ty ở nước ngoài hoặc một số công ty môi giới, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý ham chi phí giá rẻ để ký hợp đồng, chiếm đoạt tiền của người lao động.

Theo Cục Quản lý lao động nước ngoài, sau khi Hàn Quốc thực hiện chính sách tuyển dụng mới, Cục nhận được phản ánh về việc một số cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài quảng cáo, mời chào người lao động nộp tiền tham gia các khóa học nghề và thi tuyển để đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E7 không đúng quy định pháp luật của Việt Nam và của Hàn Quốc.

Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị: Người lao động cảnh giác với các thông tin mời chào, lừa đảo nêu trên. Người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc hoặc các nước khác, cần liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp có đủ năng lực, tư cách pháp nhân, kiên quyết không qua khâu trung gian để hạn chế bị kẻ xấu lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.