Xuất khẩu sang Campuchia tăng mạnh

09/11/2022 06:16 GMT+7

Trong khoảng vài năm trở lại đây, Campuchia đã trở thành vùng nguyên liệu chính cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam chế biến xuất khẩu, mang lại lợi ích về kinh tế cho cả hai nước. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia cũng tăng vọt.

Cung cấp hàng triệu tấn hạt điều cho Việt Nam

Cuối năm 2017, ông Nguyễn Đức Thanh, khi đó là Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), đã dẫn đầu phái đoàn doanh nghiệp (DN) lần đầu tiên xúc tiến thương mại tại Campuchia. Chương trình làm việc lúc bấy giờ chính là trọng điểm xây dựng vùng nguyên liệu 1 triệu tấn điều ở Campuchia.

Nhớ lại thời điểm đó, ông Nguyễn Đức Thanh kể: “Từ năm 2014 trở về trước, Campuchia chỉ bán khoảng 30% sản lượng hạt điều thu hoạch sang Việt Nam. Mặc dù chất lượng tương đối tốt nhưng sản lượng điều Campuchia lúc đó không nhiều, nên đối tác cung cấp điều thô chính cho Việt Nam vẫn là các nước châu Phi. Tuy nhiên, có một rủi ro rất lớn cho các DN Việt Nam là phương thức giao dịch và khoảng cách vận chuyển từ châu Phi về Việt Nam quá xa. Định hướng của chúng tôi lúc đó là muốn chuyển vùng nguyên liệu sang Campuchia, vừa gần gũi, chung đường biên giới và việc thanh toán cũng dễ dàng hơn”.

Việt Nam tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản nhờ vùng nguyên liệu từ Campuchia

Chí Nhân

Ở thời điểm đó, diện tích trồng điều ở Campuchia khi cao điểm lên đến 300.000 ha, nhưng do giá điều thô không ổn định, việc tổ chức sản xuất yếu kém, nên diện tích bị giảm xuống chỉ còn hơn 100.000 ha. Campuchia mong muốn được Vinacas hỗ trợ khâu chọn giống, kỹ thuật canh tác, kỹ thuật thu hoạch, bảo quản… nhằm tăng năng suất, chất lượng điều, cũng như đảm bảo lợi nhuận cho nông dân tham gia.

Chương trình 1 triệu ha điều tại Campuchia nhanh chóng được triển khai ngay sau đó. Với nỗ lực hợp tác từ hai bên, đến nay sản lượng điều thô của Campuchia tăng vọt. Theo số liệu Tổng cục Hải quan và nhiều thống kê khác, năm 2021 Campuchia xuất khẩu lượng điều thô sang Việt Nam xấp xỉ 1 triệu tấn, trở thành nước cung cấp nguyên liệu điều lớn nhất của Việt Nam.

Theo Vinacas, vấn đề lớn nhất của ngành điều Việt Nam trong nhiều năm gần đây là thiếu vùng nguyên liệu, thiếu nhân công, lao động thu hoạch, sơ chế. Sản lượng điều thô trong nước chỉ đáp ứng được 25 - 30% nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy, còn lại phải nhập khẩu. Với lợi thế vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng và giống, nếu có sự phối hợp và tổ chức tốt, Campuchia có thể sản xuất 1 triệu tấn điều thô, vượt qua Bờ Biển Ngà, trở thành nước sản xuất điều thô nhiều nhất thế giới, và trở thành một đối tác cung cấp quan trọng cho Việt Nam.

Ngày 8.11, đoàn đại biểu Vinacas do ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Vinacas, dẫn đầu đã đến Campuchia tham dự một cuộc hội thảo chuyên ngành với mục tiêu tăng cường hợp tác với nước bạn trong lĩnh vực này. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, từ sau chương trình 1 triệu tấn điều, nhiều dự án nhà máy mới cũng được triển khai nhằm tận dụng vùng nguyên liệu. Hai năm nay ngành điều gặp khó khăn do dịch bệnh và chiến sự, lạm phát trên thế giới, tuy nhiên những khó khăn nói trên chỉ tồn tại trong một giai đoạn nhất định, khi kinh tế và thị trường tiêu thụ phục hồi thì điều vẫn là mặt hàng đóng góp kim ngạch lớn.

Tương tự, Việt Nam hiện là đối tác tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của Campuchia với xấp xỉ 90% sản lượng. Trao đổi với Thanh Niên, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết: “Trong nhiều năm gần đây, nhiều nhà đầu tư từ Việt Nam đã sang Campuchia trồng hồ tiêu và sản lượng nước này mỗi năm từ 15.000 - 16.000 tấn. 90% lượng hồ tiêu này được các DN Việt Nam tiêu thụ, chỉ một số ít bán qua Lào, Thái Lan... Về chất lượng, hồ tiêu Campuchia hoàn toàn không thua kém Việt Nam và có thể đáp ứng nguồn nguyên liệu khi trong nước có nhu cầu”.

Việt Nam xuất siêu sang Campuchia gần tỉ USD

Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Campuchia cũng tăng mạnh.

Trong bối cảnh cước phí vận tải tăng cao, vùng nguyên liệu điều từ Campuchia là một lợi thế rất lớn giúp DN chế biến của Việt Nam giảm được chi phí và tăng khả năng cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Vinacas

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 10, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt gần 4,94 tỉ USD, tăng 25,6% so cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm 1 tỉ USD. Đáng chú ý, dù mới hết tháng 10 nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia cao hơn cả năm 2021.

Năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia láng giềng này đạt 4,83 tỉ USD. Trong đó, các nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, đạt từ 100 triệu USD trở lên là sắt thép, dệt may, xăng dầu, phân bón, giấy và sản phẩm từ giấy… Riêng xuất khẩu xăng dầu sang Campuchia năm 2022 tăng gần 79% so cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng 245 triệu USD, đạt 556 triệu USD. Dẫn đầu là sắt thép với hơn 1 triệu tấn, kim ngạch 827 triệu USD.

Chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia trong 10 tháng qua đạt 4,13 tỉ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, 10 tháng qua, Việt Nam xuất siêu 810 triệu USD. 2 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất là cao su và hạt điều với kim ngạch hơn 1 tỉ USD. Cụ thể, nhập khẩu cao su tăng 16,4%, tương đương 180 triệu USD (đạt 1,28 tỉ USD), nhưng nhập khẩu của nhóm hàng hạt điều giảm mạnh từ 1,85 tỉ USD xuống còn 1,08 tỉ USD.

Dự báo cho thấy tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Campuchia năm nay có thể cán mốc 10 tỉ USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.