Mặc dù vừa mới ra mắt thị trường nhưng doanh thu mảng thép rút ủ và mạ kẽm đạt kết quả rất khả quan.
Trong năm, công ty đã đầu tư một số dự án trọng điểm như: Dự án thép rút dây mạ kẽm với công suất thiết kế 10.000 tấn thép đen, 21.000 tấn thép mạ/năm. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3.2018, sản xuất thép rút dây cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước nhằm thực hiện chủ trương chế biến sâu theo chuỗi các sản phẩm thép của Tập đoàn, từng bước thay thế hàng nhập khẩu. Tính đến cuối năm 2018, nguồn thu từ dự án rất tốt, mang lại nguồn lợi nhuận ổn định. Lượng hàng xuất khẩu ngày càng tăng nhanh, đạt gần 50% tổng sản lượng với các thị trường chính là Lào, Hàn Quốc, Campuchia, Canada và hướng tới xuất khẩu nhiều hơn.
Đặc biệt, việc xuất khẩu sản phẩm thép rút mang lại nguồn ngoại tệ hơn 6 triệu USD đã giúp công ty chủ động hơn trong việc mua bán ngoại tệ phục vụ nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Từ cuối năm 2018, công ty bắt đầu nhập khẩu dây chuyền sản xuất thép rút mạ kẽm giai đoạn 2, mục tiêu đưa sản lượng tăng lên gấp 2 lần. Dự kiến, khoảng tháng 6.2019, giai đoạn 2 của nhà máy sẽ đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, công ty đẩy mạnh hoàn thiện dự án Nhà máy sản xuất thép dự ứng lực tại KLH Sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất bao gồm 3 dòng sản phẩm cao cấp: thanh thép dự ứng lực (PC bar), cáp thép dự ứng lực (PC Strand) và dây thép dự ứng lực (PC Wire). Các sản phẩm này được sử dụng trong những công trình quy mô lớn đòi hỏi kỹ thuật, khả năng chịu tải, độ an toàn cao như tháp, cầu cạn, cầu vượt biển, nhà cao tầng, cáp treo… đồng thời giúp tối ưu hóa không gian cũng như chi phí vật liệu, rút ngắn thời gian thi công cho các công trình. Đây là dự án lớn, mang tính mũi nhọn của Công ty. Hết năm 2018, dự án cơ bản hoàn thành phần cơ sở hạ tầng. Dây chuyền PC Bar giai đoạn 1 dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2019 sẽ cung cấp 40.000 tấn/năm ra thị trường.
Ngoài ra, công ty còn triển khai dự án sản xuất mặt bích ở Nhà máy tại Bình Dương với công suất 1.500 tấn/tháng cung cấp cho các nhà máy cọc bê tông cả nước cũng dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019.
Về đầu ra cho sản phẩm, công ty thực hiện chiến lược đẩy mạnh quảng bá sản phẩm ở trong nước và quảng bá sản phẩm tới các thị trường quốc tế để tăng xuất khẩu. Điểm nhấn đáng chú ý là tháng 5.2018, Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát và Hiệp hội Doanh nghiệp Cọc Việt Nam đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược dài hạn về sản phẩm thanh thép dự ứng lực, mặt bích… khoảng 100.000 tấn/năm, tương đương khoảng 2.000 tỉ VNĐ/năm cung cấp cho tất cả các nhà máy thành viên của Hiệp hội.
Những thành quả đã đạt được trong năm qua tạo đà cho Công ty thực hiện tốt các mục tiêu đề ra cho năm 2019, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực thép rút dây mạ kẽm và thép dự ứng lực…sản xuất và làm đại lý thiết bị máy móc xây dựng cho các hãng nước ngoài.
Bình luận (0)