Xuất khẩu trái cây tăng mạnh

29/12/2011 08:43 GMT+7

Mấy năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu trái cây tăng với tốc độ bình quân từ 30 - 40 triệu USD/năm. Nhiều loại trái ngon ở ĐBSCL đã có măt tại các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật…

Mấy năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu trái cây  tăng với tốc độ bình quân từ 30 - 40 triệu USD/năm. Nhiều loại trái ngon ở ĐBSCL đã có măt tại các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật…

Giá tăng nhờ xuất khẩu

Ông Đặng Văn Nám, Chủ nhiệm HTX Bưởi năm roi Kế Thành (H.Kế Sách, Sóc Trăng), cho biết 3 năm qua, toàn bộ 17 ha bưởi 5 roi của 16 xã viên sản xuất theo đúng qui trình kỹ thuật đã được Công ty TNHH The Fruit Republie (H.Đơn Dương, Lâm Đồng) và Công ty TNHH Hoàng Gia (H.Bình Minh, Vĩnh Long) bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu. Riêng năm 2011, HTX giao hàng cho 2 công ty này khoảng 600 tấn bưởi, giá bình quân 9.000 đồng/kg. Năm 2012, HTX tiếp tục ký  hợp đồng tiêu thụ toàn bộ sản phẩm với Công ty The Fruit Republie, với giá 10.500 - 11.000 đồng/kg.

Ông Đàm Văn Hưng, chủ vựa trái cây Hương Miền Tây (xã Phước Mỹ Trung, H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), cũng cho biết nhờ cácnhà vườn trong vùng tăng cường liên kết sản xuất để cây cho quả ngon ngọt, sạch, an toàn...nên hiện bưởi da xanh của điạ phương đang được nhiều thị trường trên thế giới chuộng.  Năm 2011, cở sở đã xuất khẩu trên 200 tấn bưởi da xanh sang các thị trường tiềm năng, với giá cao hơn tiêu thụ trong nước  từ 10 – 20%. Để đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm cho bà con khi 4.000 ha bưởi da xanh ở địa phương cho trái rộ, ông Hưng đã đầu tư 3 tỉ đồng xây dựng nhà máy đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu có công suất 36 tấn/ngày. Nhà máy vừa được đưa vào sử dụng, với chức năng  phân loại, xử lý bưởi da xanh thành “bưởi sạch” thông qua công nghệ làm khô, đóng gói, bao lưới, chuyển sang kho lạnh rồi mới xuất hàng theo yêu cầu đối tác. Ông Hưng dự tính đến cuối năm 2012 sẽ nâng cấp nhà máy để đạt tiêu chuẩn Global Gap nhằm đảm bảo tiêu thụ hết lượng bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap ở địa phương với giá cao hơn, bởi tiêu chuẩn Global Gap là “mảnh giấy thông hành” để đưa trái cây Việt Nam đi khắp thế giới.  “Trái chôm chôm sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap xuất khẩu đi châu u giá trị cao gấp 3 lần so với chôm chôm bán nội địa”, ông Võ Văn Hớn, vừa là lão nông và cũng là thương lái ở xã Phú Phụng (H. Chợ Lách, Bến Tre), khẳng định.


Kiểm tra chất lượng bưởi trước khi xuất bán - Ảnh: Hoài Phong

Thị trường mở rộng

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết: Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt 471 triệu USD, dự kiến năm 2011 đạt khoảng 510 triệu USD. Trong đó, trái cây là một trong những mặt hàng nông sản xuất siêu trên 50 triệu USD mỗi  năm. “Đây là một kết quả rất đáng khích lệ. Nếu như trước đây, chúng ta không dám “mơ” đến việc đưa trái cây đi xa thì nay nhãn, thanh long, chôm chôm…đã có mặt ở thị trường Hoa Kỳ; xoài cát Hòa Lộc, thanh long…vào Nhật; bưởi Năm roi vào châu u; vú sữa Lò Rèn sang Canada, Anh…Được vậy là nhờ chất lượng trái cây không ngừng cải thiện, từ đó tạo được chỗ đứng trên thương trường quốc tế”, ông Châu cho biết.

Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cũng tỏ ra đồng tình với quan điểm này. “Thời gian qua, Tiền Giang không đầu tư dàn trải mà chọn những loại cây chủ lực có ưu thế cạnh tranh để đầu tư về giống, khoa học kỹ thuật, bảo quản sau thu hoạch, tìm thị trường tiêu thụ…Nhờ đó xuất khẩu trái cây có bước tiến nhảy vọt”, ông Khang cho biết.  Còn ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ nhiệm HTX Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, H. Cái Bè, Tiền Giang), thì hào hứng nói rằng mỗi năm, HTX của ông xuất khẩu khoảng 100 tấn xoài. Bình quân, xoài trọng lượng từ 0,5 kg trở lên  bán được từ 15-20 ngàn đồng/trái. “Tuy nhiên, muốn bán được xoài với giá cao, nhà vườn phải học cách sản xuất xoài sạch, an toàn để được người tiêu dùng trên thế giới tín nhiệm”, ông Nhơn nhấn mạnh.

Hoài Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.