Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, những võ sư gốc Việt ở nước ngoài đã mở lò dạy võ cổ truyền Việt Nam khắp châu Âu, châu Mỹ, châu Phi... Qua đó, võ cổ truyền ngày càng được thế giới biết đến, số lượng võ sinh theo học ngày càng đông.
Dạy võ bằng internet và thơ
Tên tuổi của những võ sư dạy võ cổ truyền Việt Nam như Hồ Bửu (Võ đường Tây Sơn, bang Virgina, Mỹ), Diệp Lệ Bích (Trưởng môn phái Bình Thái Đạo, ở Northampton, Anh), Hồ Hoa Huệ (Trưởng môn Tinh võ đạo Việt Nam), Nguyễn Đức Mộc và Olivier Barbey (Liên đoàn Quốc tế võ Việt Nam tại Pháp)... đã vang danh khắp làng võ thuật thế giới.
Trong vòng 5 năm qua, số võ sinh của môn phái Bình Thái Đạo ngày càng tăng nhanh nhờ sáng kiến dạy võ qua mạng internet của Trưởng môn Diệp Lệ Bích. Tất cả những bài võ, thế đánh, chỉ pháp... đều được võ sư này xây dựng thành video clip, võ sinh ở khắp nơi cứ theo đó mà luyện tập. Khi thắc mắc vấn đề gì thì võ sinh lên mạng chat voice với thầy của mình. Võ sư Diệp Lệ Bích kiểm tra, đánh giá võ sinh của mình bằng webcam.
Những bài quyền, chỉ pháp... nếu nói suông thì rất khó nhớ nên võ sư Bích đã chuyển hóa thành thơ hoặc văn vần cho dễ thuộc. Chẳng hạn như khi luyện bài “Liên hoàn thập lục thủ”, võ sinh sẽ nhớ những câu “Để tay gác trán nằm ngang/Xả ngay trước mặt màng tang của người/Sóc lên dứt thẳng cằm thôi/Chuyển tay đâm xuống thẳng thời ngược ngay...”, hay bài võ “Lưỡng Long tranh châu” lại được chuyển thành thơ có những câu như: “Mắt kia luyện tập cho tinh/Nhắm vào huyệt đạo mà trinh sát liền/Muốn cho khỏi bị mang phiền/Nhớ đừng đâm chém nhớ liền nha con...”.
Đến thời của võ sư Diệp Lệ Bích, Bình Thái Đạo (ra đời tại Bình Định vào những năm đầu thế kỷ 20) đã trải 3 đời trưởng môn. Hai đời trước là võ sư Diệp Trường Phát (tức Tàu Sáu) và Diệp Bảo Sanh, là ông nội và cha võ sư Diệp Lệ Bích. Năm 1979, gia đình chuyển sang định cư tại Anh, Diệp Lệ Bích không chỉ dạy võ ở nước ngoài, những năm gần đây, võ sư còn trở về quê hương khôi phục lại Bình Thái Đạo ở Việt Nam. Võ sư Diệp Lệ Bích cho biết: “Hiện Bình Thái Đạo đã có hơn 2.000 võ sinh, chủ yếu ở Việt Nam, Anh, Mỹ... Từ nay đến năm 2014, võ phái của chúng tôi sẽ mở thêm nhiều võ đường ở các nước khác nhau để tiếp tục phát triển võ sinh”.
Xuất ngoại dạy võ
Khác với võ sư Diệp Lệ Bích, võ sư Hồ Hoa Huệ, mở võ đường trong nước nhưng thường xuyên được liên đoàn võ thuật các nước mời sang biểu diễn và dạy võ. Năm 1985, võ sư Hồ Hoa Huệ thành lập môn phái Tinh võ đạo tại TP.HCM và hiện đã được truyền dạy ra nhiều nước trên thế giới. Trong 4 năm liền (1996-1999), võ sư Hồ Hoa Huệ đều đoạt ngôi Vô địch kỹ thuật võ cổ truyền toàn quốc. Năm 1998, bà được Hiệp hội quốc tế võ đạo Việt Nam tại châu Âu mời sang giao lưu và dạy võ thuật. Từ đó về sau, nữ võ sư này đi khắp các nước như Bỉ, Ý, Hà Lan, Đức, Ma Rốc... để truyền bá võ cổ truyền Việt Nam. Năm 2000, tạp chí võ thuật Pháp đã trao tặng danh hiệu “Người đàn bà võ thuật” cho võ sư Hồ Hoa Huệ.
Một nữ võ sư khác trong nước cũng được mời ra nước ngoài dạy “múa roi, đi quyền” là Trưởng môn phái Thu Vân quốc tế võ đạo, võ sư Nguyễn Thu Vân. Năm 1988, bà lập nên võ phái Thu Vân quốc tế võ đạo lấy nền tảng từ các bài võ thuật được sư tổ Nguyễn Phương Danh truyền thụ. Năm 1992, võ sư Thu Vân là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tham dự Đại hội võ thuật quốc tế tại Paris theo lời mời của Liên đoàn Võ thuật quốc tế. Bà đã 2 lần được Liên đoàn Võ thuật Pháp mời sang biểu diễn và dạy võ. Năm 2008, Tổng hội Võ thuật thế giới tặng bằng khen cho võ sư Thu Vân. Hiện Thu Vân quốc tế võ đạo đã mở thêm 2 võ đường tại Pháp.
Ngoài ra, các võ sư Lê Văn Vân (môn phái Sa Long Cương Bình Định), Đinh Văn Tuấn, Phạm Văn Uẩn, Nguyễn Văn Cảnh (Liên đoàn Võ thuật Bình Định)... cũng thường xuyên được mời ra nước ngoài biểu diễn và dạy võ cổ truyền Việt Nam.
|
|
Tây “giữ lửa” võ Việt
Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam Phạm Đình Phong, người đi tiên phong trong việc truyền bá võ cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài là võ sư Nguyễn Đức Mộc. Ông lập võ đường tại Pháp từ trước năm 1945, đặt tên là “Sơn Long quyền thuật” và sau đó đã thành lập Liên đoàn Quốc tế võ Việt Nam tại Pháp vào năm 1957. Trong những lần Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định diễn ra vào các năm 2006, 2008 và 2010, Liên đoàn Quốc tế võ Việt Nam tại Pháp đều cử người về tham gia biểu diễn.
Năm 2009, võ sư Nguyễn Đức Mộc qua đời, đệ tử của ông là võ sư Olivier Barbey (người Thụy Sĩ) thay ông giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế võ Việt Nam và chức Trưởng môn phái Sơn Long quyền thuật tại Pháp. Võ sư Olivier Barbey là người đã đưa võ cổ truyền Việt Nam vào dạy ở Tổng liên đoàn Trường bách khoa Lausan (EPFL.Université Lausan.ne) nổi tiếng của Thụy Sĩ, nơi đặt trụ sở của Ủy ban Olympic châu Âu. Theo võ sư Olivier Barbey, võ Việt Nam không chỉ là một môn thể thao mà còn giúp người ta rèn luyện nghệ thuật sống.
Ngoài võ sư Olivier Barbey, Sơn Long quyền thuật còn có các võ sư người nước ngoài rất tên tuổi như Christan Descamps (người Pháp, mở 4 câu lạc bộ ở Lyon, Saint Etienne, Région, Parisienne), võ sư Philippines Clement (học trò của Olivier, Chủ tịch Liên đoàn Sơn Long quyền thuật tại Thụy Sĩ). Những năm gần đây, các võ sư, võ sinh Sơn Long quyền thuật thường đến Bình Định từ 2 đến 3 tháng hoặc mời các võ sư Phạm Văn Uẩn và Nguyễn Văn Cảnh sang Pháp dạy võ.
Hoàng Trọng
>> Ngày hội lớn của võ cổ truyền
>> Độc đáo võ cổ truyền Việt Nam: Nhìn ra thế giới
>> Độc đáo võ cổ truyền Việt Nam: Tinh hoa võ thuật
>> Độc đáo võ cổ truyền Việt Nam
>> Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần III
Bình luận (0)