Khoảng 10 năm trở lại đây, hàng ngàn môn sinh nước ngoài đã theo học võ cổ truyền VN do các võ sư Bình Định xuất ngoại giảng dạy, với rất nhiều tình cảm và nể phục.
Thu phục nhân tâm
Võ sư Nguyễn Văn Cảnh (43 tuổi), HLV Trường Năng khiếu thể dục - thể thao Bình Định), người đã nhiều năm đi giao lưu, huấn luyện võ thuật Bình Định ở nước ngoài, cho biết: “Một trong những điều khiến người bên Tây tìm đến võ Việt là sự ngưỡng mộ, nể phục thật sự”.
|
Anh Olivier Barbey (48 tuổi), người Thụy Sĩ, hiện là Chưởng môn đoàn Sơn Long quyền thuật của Pháp, nói về ấn tượng đầu tiên với võ Việt: “Năm 19 tuổi, tôi tình cờ gặp mặt võ sư Nguyễn Đức Mộc, người sáng lập phái Sơn Long quyền thuật, từ Pháp sang Thụy Sĩ giao lưu võ thuật. Tự nhiên, tôi thấy ông thân thuộc như có mối duyên sắp đặt từ trước… Khi đó, thầy Mộc đã 70 tuổi, nhưng các võ sĩ trẻ tuổi chúng tôi đến thử tài giao đấu đều thua, bởi thân pháp và cách ra đòn của thầy cực nhanh. Nội công của thầy cũng rất thâm hậu, chỉ một ngón tay có thể đẩy ngã được vài võ sĩ cao to dù cố trụ vững. Tôi bị chinh phục và xin thầy thu nhận làm đệ tử”.
Võ sư Nguyễn Lâm, Chưởng môn Thiếu lâm Kiến An Kungfu - Đại học Northridge, California, Mỹ, cho biết: "Người nước ngoài rất thực dụng, họ phải biết khả năng của mình thì mới chịu học và chỉ thích học những thứ có thể đem ra áp dụng ngay. Hồi tôi mới dạy võ ở Mỹ, nhiều võ sinh hỏi: “Thầy tập luyện lâu như vậy chắc có thể chịu đòn giỏi lắm”. Để lấy lòng tin các học trò, tôi đồng ý đứng cho các em đấm đá một hồi (dĩ nhiên là ở những chỗ không hiểm), thấy tôi không hề hấn gì, họ mới toàn tâm toàn ý theo học”.
|
Nhiều võ sư Bình Định từng dạy võ cho trò Tây có cùng nhận định là các học trò này không chỉ học võ bằng nhiệt huyết, say mê mà còn rất tinh ý. “Trong giai đoạn đầu làm quen với võ cổ truyền, nếu mình sai sót dù chỉ ở một vài thế võ, họ sẽ lập tức nhận ra và không còn sự khâm phục ban đầu với mình”, võ sư Cảnh chia sẻ kinh nghiệm. Do vậy, việc huấn luyện, truyền đạt võ cổ truyền cho các học trò Tây không hề dễ dàng. Cố võ sư Nguyễn Đức Mộc từng dặn dò các học trò của mình khi họ dạy võ cho người nước ngoài: “Phải thể hiện cho trọn vẹn tinh hoa võ Việt, mang cái hay cái đẹp ở đó ra trình diễn, hướng dẫn thì mới thu phục được nhân tâm. Có như vậy, võ cổ truyền của ta mới được đón nhận một cách sâu rộng”.
Có kinh nghiệm huấn luyện cho hàng ngàn võ sư, huấn luyện viên, võ sinh nước ngoài, võ sư Nguyễn Văn Cảnh nhận định: “Võ cổ truyền Bình Định nói riêng và võ Việt nói chung chính là vốn quý văn hóa mà ông cha để lại. Nó là võ của một dân tộc hiền hòa, yêu chuộng hòa bình và lẽ phải. Chính bởi điều này mà võ Việt sẽ còn đi rất xa”.
Võ VN có lợi cho tinh thần và ý chí
Nhiều võ sinh nước ngoài yêu mến và ngưỡng mộ võ Việt là vậy, nên từ sự khâm phục ban đầu đã dẫn dắt nhiều người như Hibbard Mara (đến từ Luxembourg, một học trò của võ sư Đồng Văn Hùng, võ phái Tráng sĩ đạo) đến với sàn tập một cách chăm chỉ, kiên trì. Hibbard Mara cho biết: "Những bài quyền võ cổ truyền VN thường có tên tiếng Việt như Đinh tấn, Trảm mã tấn, Hạc tấn... dù khó nhớ và không phải dễ hiểu, nhưng càng tập càng thấy thấm với những nét tinh hoa của võ thuật VN”.
Bất đồng ngôn ngữ trong quá trình huấn luyện cho các trò Tây khiến các võ sư Việt nhiều lần cũng… toát mồ hôi. Nói chuyện thường ngày cũng đã khá vất vả huống hồ trong võ đạo có nhiều từ, thuật ngữ ngay đến người Việt cũng thấy lạ lẫm. Võ sư Lý Hoàng Tùng, Chủ tịch Tổng hội Phát triển võ thuật thế giới (Mỹ), người đã đào tạo hơn 100 võ sinh là người nước ngoài, cho biết: "Dạy võ cho người nước ngoài thực ra cũng không khó khăn hơn gì nhiều so với người Việt, chỉ khác là về ngôn ngữ. Nếu võ sư hoặc huấn luyện viên không thông thạo ngôn ngữ thì sẽ chậm hơn".
Không chỉ khó về kỹ thuật khi đến với võ Việt, trò Tây còn gặp khó khi giờ giấc, lịch tập trái chiều với sinh hoạt thường ngày. Võ sư Cảnh cho biết: “Hồi sang huấn luyện cho các bạn ở Pháp, tôi đã lên một lịch tập khá dày. Mới 6 giờ sáng đã bắt đầu buổi tập trong khi thông thường bên đó họ dậy trễ”. Theo các võ sư, sáng sớm là lúc không khí trong trẻo nhất. Lúc đó, người học võ sẽ dễ dàng tiếp nhận tinh hoa võ thuật như là tiếp nhận tinh túy của đất trời.
Sarah Barbey (43 tuổi), đến từ Pháp, luôn có nụ cười rất tươi trên khuôn mặt xinh đẹp, tâm sự. “Cũng có lúc tôi thấy rất đau với các chấn thương gặp phải nhưng lên sàn tập, thấy sự cố gắng của thầy, của các bạn, tôi lại như quên hết để tiếp tục bài học của mình”.
Bằng sự chăm chỉ, kiên trì trên sàn tập, nhiều võ sinh nước ngoài đã cải thiện được rõ rệt tình trạng sức khỏe của mình. Từ một cô gái ốm yếu, sau khi tập Thiếu lâm Kiến An Kungfu ngay tại trường đại học, dưới sự dẫn dắt của võ sư chưởng môn Nguyễn Lâm, Lynelle Miliate (35 tuổi), người Mỹ, đã có một sức khỏe tốt. Lynelle Miliate cho biết: "Ban đầu tôi nghĩ học võ chỉ là để có sức khỏe, nhưng qua nhiều năm tập môn võ này, tôi thấy nó rất có lợi cho cả tinh thần và ý chí của con người. Tôi sẽ tiếp tục theo học môn võ này để có thể trở thành một võ sư, mở một võ đường để truyền dạy lại cho những người yêu thích võ thuật".
Trần Thị Duyên
>> Đi tìm bản sắc võ Việt - Những bí ẩn chưa được giải mã
>> Đi tìm bản sắc võ Việt: Trong võ có văn
>> Đi tìm bản sắc võ Việt: Cội nguồn võ thuật
>> Vị thế võ Việt
>> Hun đúc tinh hoa võ Việt
Bình luận (0)