Xuất ngân sách dự phòng giúp dân vùng hạn, mặn

29/04/2016 07:02 GMT+7

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các tỉnh trong khu vực xuất ngân sách dự phòng phòng chống thiên tai hỗ trợ kịp thời cho người dân không khát...

* Kiên Giang họp khẩn tìm nguồn nước
Ngày 28.4, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban về công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL (tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các tỉnh trong khu vực xuất ngân sách dự phòng phòng chống thiên tai hỗ trợ kịp thời cho người dân không khát, không đói, sớm ổn định đời sống và sản xuất.
Theo Phó thủ tướng, hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, do vậy các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh đó, các bộ ngành liên quan cần theo dõi chặt diễn biến, tình hình mặn để kịp thời thông tin cho các địa phương và người dân chủ động ứng phó, chủ động tích trữ nước ngọt đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đối với Bộ TN-MT, Phó thủ tướng yêu cầu cần bổ sung kịch bản biến đổi khí hậu và phổ biến cho người dân biết để thích ứng. Bộ NN-PTNT cần cơ cấu lại mùa vụ cho hợp lý, triển khai có hiệu quả giải pháp ứng phó với hạn, mặn, nhất là giải pháp bảo vệ rừng; đồng thời chủ trì với các cơ quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL. Việc giữ nước ngọt, xây dựng toàn vùng, liên kết vùng trên cơ sở khoa học, có tầm nhìn xa. Việc quy hoạch phải được phân kỳ đầu tư phù hợp với nguồn lực, ưu tiên công trình cấp bách, cấp thiết.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết hạn, mặn xâm nhập đã làm toàn vùng thiệt hại trên 208.000 ha lúa, trong đó thiệt hại giảm trên 70% năng suất chiếm tới gần 120.000 ha lúa. Ngoài ra còn có 9.400 cây ăn trái, 2.000 ha tôm bị thiệt hại, đặc biệt thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt 226.000 hộ dân, riêng Sóc Trăng có 43.000 hộ…
Trong một diễn biến khác, hôm nay (29.4), UBND tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục triệu tập cuộc họp khẩn để đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước đang diễn ra cực kỳ nghiêm trọng. Theo ghi nhận của Thanh Niên, đã nửa tháng nay Công ty TNHH MTV cấp thoát nước tỉnh Kiên Giang (KIWACO) không lấy được nước ngọt để cung cấp cho nhà máy nước. Ngày 27.4, KIWACO tiếp tục cắt giảm 35% công suất và cắt cả thời gian cấp nước trên toàn TP.Rạch Giá. Tình trạng này khiến hầu hết người dân sống trên địa bàn TP.Rạch Giá phải sử dụng xen kẽ nguồn nước ngầm, nước mua từng can thay thế cho nước từ nhà máy cung cấp. Lượng nước ngọt chỉ còn đủ cung cấp cho TP.Rạch Giá và vùng lân cận đến hết lễ 30.4.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.