Trước đây, một vài cầu thủ Việt Nam khác cũng được báo chí quốc tế khen ngợi, thậm chí họ được gợi ý ra nước ngoài thi đấu sau những màn thể hiện ấn tượng dưới màu áo U.23 hay tuyển Việt Nam. Nhưng sau đó, mọi thứ vẫn như cũ...
Đội tuyển Việt Nam thời gian qua có nhiều tiến bộ, đẳng cấp trình độ tiệm cận những đội hàng đầu châu lục. Thế nhưng không ai dám chắc rằng, chúng ta sẽ duy trì được khả năng này bao lâu, bởi nhìn từ góc độ căn cơ, bóng đá Việt Nam còn thiếu quá nhiều.
Chỉ riêng việc cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, Việt Nam còn kém xa nhiều nền bóng đá khu vực, chứ chưa nói đến những nền bóng đá lớn khác như Nhật, Hàn, Iran...
Thực tế đã chứng minh một đội tuyển mạnh là một tập hợp nhiều cầu thủ giỏi được trải nghiệm, cọ xát ở các giải đấu lớn.
Tiến Linh (22) đuuợc AFC bầu chọn xuất sắc tháng 10 |
Hoàng Quân |
Trong khu vực, trước đây Philippines được xem là " kẻ lót đường" ở AFF Cup. Nhưng từ lúc họ trọng dụng cầu thủ "Phi kiều", cầu thủ "con lai" đang thi đấu ở nước ngoài, cộng với việc nhập tịch nên tuyển Philippines mạnh hẳn lên ở sân chơi Đông Nam Á .Trung Quốc có giải vô địch quốc gia hàng đầu Châu Á, quy tụ nhiều ngôi sao lớn quốc tế, nhưng cầu thủ của họ lại rất ít xuất ngoại (chỉ đếm trên đầu ngón tay, trường hợp Wu Lei đá tại La Liga là hiếm) nên đội tuyển nước này nhiều năm qua chưa thể mạnh lên như Nhật, Hàn- những quốc gia có đông cầu thủ thi đấu tại các giải hàng đầu Châu Âu.
Thái Lan dù bị xem là " mất ngai" vài năm qua nhưng kỳ thực nền bóng đá của họ chuyên nghiệp hơn hẳn phần còn lại ở Đông Nam Á. Đội tuyển quốc gia nước này thành tích không ổn định gần đây là do khủng hoảng ở vị trí "thuyền trưởng" chứ lực lượng cầu thủ Thái không yếu. Thậm chí họ có nhiều cầu thủ khẳng định đẳng cấp ở J. League 1 tại Nhật như Chanathip hay Theeraton..
Wu Lei của Trung Quốc chơi tại Espanol, La Liga |
AFP |
Với bóng đá Việt Nam, vấn đề cốt yếu là cầu thủ chúng ta cần nỗ lực hướng đến sự thi đấu, trải nghiệm ở nước ngoài nhiều hơn, nhất là phải thử sức những nơi phù hợp như Thai League rồi dần hướng tới những sân chơi có trình độ cao hơn như J. League ( Nhật), K. League classic ( Hàn)...
Chúng ta từng nghe rất nhiều thông tin đại loại như cầu thủ A, B, C...của Việt Nam được các CLB nước ngoài mời gọi, đặt vấn đề nhưng rồi ngay sau đó cầu thủ Việt Nam vẫn " ru rú" thi đấu trong nước.
Những cái tên Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu...từng xuất ngoại và không gặt hái được thành công có lẽ khiến nhiều cầu thủ Việt khác hay cấp quản lý của họ e ngại, hoài nghi. Nhưng bóng đá hội nhập thời nay xuất ngoại có thành công, có thất bại như một lẽ tất yếu. Chưa kể những cầu thủ vừa đề cập cũng nhận được những bài học trải nghiệm quý giá, chứ chưa hẳn họ trải qua những chuyến đi vô ích.
Hoàng Đức xứng đáng được đưa đi xuất ngoại |
AFP |
Các ông chủ Việt hay các cấp quản lý thay vì cứ cố giữ cầu thủ của mình trong nước thì cũng nên phóng khoáng hơn tạo điều kiện cho cầu thủ ra nước ngoài trải nghiệm mở rộng tầm mắt, rèn luyện năng lực, tìm cách thích nghi.
Cầu thủ Việt thay vì sớm hài lòng với những gì đã và đang có thì cũng nên tự nâng cấp mình, trui rèn thêm bản lĩnh, kỹ năng, mạnh dạn tìm thử thách ở những sân chơi ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Vì vậy, nếu chỉ dừng lại và " tự sướng" với những lời khen, hay vượt lên được ở vài cuộc bình chọn chóng vánh thì các tuyển thủ chúng ta sẽ chẳng có thêm cơ hội để phát triển bản thân.
Đặng Văn Lâm, trở thanh điêm tựa tin cậy của tuyển Việt Nam |
Ngọc Linh |
Nhìn đâu xa, hãy lấy trường hợp thủ môn Đặng Văn Lâm mà học. Khát khao chơi bóng, sự kiên trì rèn luyện và nỗ lực vươn xa của chàng thủ môn mang hai dòng máu Nga - Việt chưa bao giờ ngừng nghỉ. Điều đó giúp thủ môn này từ một kẻ bị "ghẻ lạnh" đã thăng tiến mạnh mẽ trong sự nghiệp và giờ đang khoác áo Cerezo Osaka ở J1.league
Nếu ở khâu xuất ngoại, bóng đá Việt có nhiều nhân tố như Đặng Văn Lâm, chắc chắn đội tuyển Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Đó là một trong những nguyên nhân giúp đội tuyển chúng ta mạnh lên..
Bình luận (0)