Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 21,9 tỉ USD, giảm 22,7% so với cùng kỳ.
Thông tin trên được ông Trần Phước Tường, Phó cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho biết tại buổi họp báo định kỳ kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, chiều 1.6.
Tăng trưởng kinh tế TP.HCM quý 2/2023: Cao hơn nhờ nhiều nỗ lực và tháo gỡ
Giải ngân vốn đầu tư công khởi sắc, xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó
Theo đại diện lãnh đạo Cục Thống kê, ước tính giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2023 đạt 12,9% theo kế hoạch vốn của Thủ tướng giao và cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ của năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 đạt 9,4%); đạt 21,9% theo kế hoạch của thành phố giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ 2022 đạt 14,5%).
Ông Trần Phước Tường cho biết, tổng thu ngân sách 5 tháng đầu năm 2023 của TP.HCM đạt 43% dự toán và giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó thu từ nội địa giảm 3,4%, thu dầu thô giảm 9,3% và thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu giảm 6,2%.
Tuy nhiên, TP.HCM cũng có nhiều tín hiệu đáng mừng như sản xuất công nghiệp đang có chuyển biến tích cực. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5.2023 ước tính tăng 1,51% so với tháng trước và tăng 5,45% so với cùng kỳ.
Sức mua của thị trường trong nước được duy trì với tổng mức bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 tăng 9,4% so cùng kỳ. "Trong tình hình hoạt động xuất khẩu suy giảm, sức mua nội địa duy trì được xem là điểm sáng của nền kinh tế", ông Trần Phước Tường nói.
Cũng trong 5 tháng đầu năm 2023, TP.HCM có hơn 25.000 doanh nghiệp tham gia vào thị trường, nhưng cũng có đến hơn 18.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nghĩa là, cứ 10 doanh nghiệp tham gia vào thị trường, thì tương ứng có 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ông Trần Phước Tường cho biết, chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng chậm lại, theo đó việc tăng giá điện và lương tối thiểu sẽ gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian tới. Vì vậy, việc kiềm chế lạm phát luôn được ưu tiên để góp phần tăng sức mua nội địa và tăng trưởng kinh tế.
Nhiều giải pháp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế
Thời gian qua, khu vực doanh nghiệp chiếm tỷ trọng và đóng góp cao nhất vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM nên được tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: duy trì hoạt động thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm tìm kiếm, thay thế và bổ sung các thị trường xuất khẩu tiềm năng trong khi các thị trường truyền thống đang gặp khó khăn; thúc đẩy tiến độ đi vào hoạt động của doanh nghiệp mới bằng giải pháp tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đào tạo và giới thiệu nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đẩy mạnh hiệu quả chương trình bình ổn giá của thành phố, vừa giảm bớt khó khăn cho người lao động vừa kích cầu tiêu dùng.
Theo ông Trần Phước Tường, TP.HCM cần tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công, vì vốn đầu tư công đóng vai trò là "vốn mới dẫn dắt đầu tư ngoài nhà nước" cho nền kinh tế, vừa kích thích tiêu dùng, vừa thu hút vốn tư nhân vào sản xuất, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu giảm đều ở hầu hết ngành nghề
Trước đó, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, chưa khi nào hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp gặp khó như năm nay. Kim ngạch xuất khẩu giảm đều ở hầu hết ngành nghề từ dệt may, nông lâm thủy sản cho tới chế biến gỗ.
Theo ông Phương, kim ngạch xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế TP.HCM bị ảnh hưởng do sự sụt giảm đơn hàng từ thị trường thế giới. Thông tin từ Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), những ngành nghề xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh gồm có: ngành dệt may giảm 8% so với cùng kỳ 2022. Ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ giảm khoảng 15%, trong đó các sản phẩm dăm, viên nén, pallet, đồ gỗ giảm đến 45%.
Bình luận (0)