Tại Tòa án quốc tế của LHQ ở La Haay (Hà Lan) hiện có vụ việc rất đặc biệt, khi đích thân nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi của Myanmar tới tham dự những cuộc điều trần của tòa án này về Gambia khởi kiện Myanmar liên quan cộng đồng người Rohinga theo đạo Hồi ở Myanmar.
Đáng chú ý bởi không phải những quốc gia Hồi giáo lớn trên thế giới ở gần Myanmar mà lại là một nước Hồi giáo nhỏ và xa xôi đưa vụ việc ra tòa án quốc tế này của LHQ. Bên cạnh đó, Myanmar lại quyết định để cho không phải ai khác ngoài bà Aung San Suu Kyi công cán đến tòa án để xử lý vụ việc.
Vụ việc được dư luận thế giới để ý đến nhiều vì xưa nay chưa từng có chuyện một người được trao Giải thưởng Nobel vì hòa bình lại xuất hiện trước tòa án quốc tế của LHQ để bảo vệ chính mình và chính quyền quốc gia trước những cáo buộc về vi phạm dân chủ và nhân quyền.
Phía Myanmar giờ quyết định xuất tướng viễn chinh như thế xem ra nhằm hai mục đích chính. Thứ nhất là không để cho vấn đề người Rohinga ở Myanmar bị quốc tế hóa nhiều hơn nữa. Đến nay, một số đối tác như EU, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Malaysia... đều đã phản đối Myanmar trong chuyện này, nhưng phản ứng chỉ dừng ở quan hệ song phương. Việc Gambia khởi kiện Myanmar ở tòa án quốc tế là bằng chứng rõ nét nhất về diễn biến theo hướng quốc tế hóa vụ việc.
Vì thế, Myanmar phải chủ động ứng phó và nhanh chóng xử lý dứt điểm. Thứ hai, nếu để bảo vệ Myanmar trước những cáo buộc như vậy ở bên ngoài, thì bà Aung San Suu Kyi là người hứa hẹn thành công nhất.
Bình luận (0)