Xúc động hình ảnh trường 'cắm bản' trên vùng cao

Phạm Anh
Phạm Anh
17/11/2023 08:02 GMT+7

Xa hàng chục km so với trường chính nên mỗi giáo viên 'cắm bản' dạy con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Quảng Ngãi là một câu chuyện cảm động.

 Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết tỉnh này có hơn 200 điểm trường lẻ tại 6 huyện miền núi. Điểm trường "cắm bản" nào cũng khó khăn. Hầu như nơi này giáo viên chỉ cho đi chứ không hề nhận lại. Ngày nào cũng đánh vật với con chữ, nhất là với học sinh lớp 1, mệt nhoài, nhưng niềm vui của thầy cô là các em biết đọc, biết viết, biết hát và có quyền mơ ước tương lai.

Mới đây, phóng viên Báo Thanh Niên đã đi đến các điểm trường xa vời vợi này, chứng kiến cảnh dạy, học và sinh hoạt của các thầy, cô giáo ở đây.

Điểm trường ở tổ 8, thôn Quế, xã Trà Bùi, H.Trà Bồng (Quảng Ngãi) cách Trường tiểu học và THCS xã Trà Bùi khoảng 50 km. Đường đi hiểm trở, liên tục lội qua những con suối, băng qua các khu rừng.

Điểm trường này nằm dưới chân dãy núi Cà Đam, cách mặt nước biển 1.400 m. Nơi này mưa quanh năm, khi tạnh cũng sương mờ phủ quanh đỉnh núi.

"Cắm bản" tại đây có 3 cô và 1 thầy giáo, dạy cho 47 học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số người Kor, từ lớp 1 đến lớp 4.

Cận cảnh những mái trường 'cắm bản' trên vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 1.

Điểm trường nằm dưới dãy núi Cà Đam, cao 1.400 m so với mực nước biển

PHẠM ANH

Cận cảnh những mái trường 'cắm bản' trên vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 2.

Núi Cà Đam mây, sương mù bao phủ, mưa và lạnh quanh năm

PHẠM ANH

Cận cảnh những mái trường 'cắm bản' trên vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 3.

Để đến điểm trường này, các cô giáo dậy từ 4 giờ 30 sáng thứ hai mỗi tuần và ở lại đến chiều thứ sáu mới về nhà. Có giáo viên phải đi hơn 60 km mới đến nhà. Do thời tiết lạnh, các cô giáo có con nhỏ không dám dẫn theo.

PHẠM ANH

Cận cảnh những mái trường 'cắm bản' trên vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 4.

Còn học sinh, các em đến lớp bằng những con đường đá cheo leo, có em còn không có dép để mang

PHẠM ANH

Cận cảnh những mái trường 'cắm bản' trên vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 5.

Lớp của cô Nguyễn Thị Huyền có 10 học sinh học lớp 1. Hôm nay, các em tập trung học theo tổ. Trời lạnh nhưng các em không có áo ấm và không có đồng phục để mặc đi học. Cô Huyền cho biết dạy ở đây không có ti vi, không có sinh hoạt gì sau giờ lên lớp. Ban đêm, các cô tập trung soạn bài rồi đi ngủ.

PHẠM ANH

Cận cảnh những mái trường 'cắm bản' trên vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 6.

Dù thiếu thốn, chịu nhiều thiệt thòi nhưng các học sinh ở đây vẫn hồn nhiên, vô tư và luôn yêu mến các thầy cô

PHẠM ANH

Cận cảnh những mái trường 'cắm bản' trên vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 7.

Căn nhà để 4 thầy, cô giáo ở lại khi "cắm bản". Do không có tủ lạnh nên thức ăn không bảo quản lâu được, các cô giáo phải kho thật mặn để ăn dần. "Nếu có tủ lạnh thì tiện để bảo quản được đồ ăn cho cả tuần, nhưng khó mua quá", cô giáo Huyền cho biết.

PHẠM ANH

Còn điểm trường Nước Nia, xã Trà Bùi, H.Trà Bồng, cách điểm trường thôn Quế hơn 10 km đường núi. Nơi này có 30 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4, đều là đồng bào dân tộc thiểu số người Kor.

Cận cảnh những mái trường 'cắm bản' trên vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 8.

Điểm trường Nước Nia ở trên một ngọn đồi nhỏ, xung quanh thưa nhà dân. Ở đây có hai cha con cùng cắm bản. Cha là thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn, con gái là cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ.

PHẠM ANH

Cận cảnh những mái trường 'cắm bản' trên vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 9.

Thỉnh thoảng, hai cha con phụ nhau trong việc dạy, nhất là "cầm tay viết chữ" với học sinh lớp 1

PHẠM ANH

Cận cảnh những mái trường 'cắm bản' trên vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 10.

Trong khi con gái cầm tay giúp các học sinh lớp 1 viết chữ...

PHẠM ANH

Cận cảnh những mái trường 'cắm bản' trên vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 11.

Thì người cha hỗ trợ học sinh Hồ Minh Thái, bị câm điếc bẩm sinh. Mẹ của học sinh này là Hồ Thị Phượng cho biết nhờ đi học, em Thái về nhà đã biết khoanh tay chào, biết tô màu, biết viết chữ... nên gia đình rất mừng.

PHẠM ANH

Cận cảnh những mái trường 'cắm bản' trên vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 12.

Lớp học của cô giáo Ý Mỹ có lớp 1 và 2. Ra đề bài tập cho lớp 1 làm rồi cô xoay qua dạy lớp 2. Bảng đen cũng được chia ra làm hai để dạy. Rất mừng là học sinh ở đây chăm ngoan, ít nghỉ học.

PHẠM ANH

Cận cảnh những mái trường 'cắm bản' trên vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 13.

Các em học sinh đồng bào Kor cũng vui vẻ, hồn nhiên. Mỗi ngày, các em mang cơm trưa đến lớp ăn rồi nghỉ tại chỗ, chờ đến chiều lại học tiếp.

PHẠM ANH

Cận cảnh những mái trường 'cắm bản' trên vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 14.

Dạy xong, hai cha con lại quày quả nấu bữa trưa. Ăn xong là tranh thủ nghỉ ngơi để chiều dạy tiếp. Hai cha con chăm sóc nhau và tiếp tục hành trình dạy chữ cho con em người Kor ở vùng đất quê Trà Bồng.

PHẠM ANH

Cận cảnh những mái trường 'cắm bản' trên vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 15.

Còn đây là cô giáo Hồ Thị Thoàng, dạy điểm lẻ lớp mầm non có 22 học sinh ở Nước Nia. Đến bữa trưa, cô Thoàng phải đút từng học sinh. Cô giáo Thoàng cho biết phụ huynh ở đây chăm sóc con em mình tử tế hơn nhiều vùng khác, bữa ăn thay phiên từ trứng, thịt, cá...

PHẠM ANH

Cận cảnh những mái trường 'cắm bản' trên vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh 16.

Đây là chỗ ngủ của thầy Nguyễn Thanh Tuấn, được ghép từ bàn học sinh đã bị hỏng và tấm ván. Cái "giường" này ông đã ngủ suốt những năm tháng "cắm bản" nơi này. Dù nhọc nhằn, thầy Tuấn và các thầy, cô "cắm bản" khác đều mong học sinh biết đọc, viết và mơ một tương lai tươi sáng hơn phía trước.

PHẠM ANH


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.