Sau nhiều năm nghiên cứu, nhóm đã chế tạo ra những tấm màng polymer đàn hồi trong suốt có các đường dẫn kim loại đan xen lẫn nhau. Những tấm màng này có khả năng co giãn mô phỏng theo cơ chế của da người và được gắn điện. Theo giáo sư Lacour, một trong những khó khăn lớn là việc duy trì dòng điện ở các đường dẫn kim loại khi tấm màng thay đổi hình dạng. Để giải quyết, các nhà nghiên cứu đã "dán" một lớp vàng cực mỏng, chỉ dày 25-100 nanomét lên tấm màng, tạo thành cấu trúc có rất nhiều vết nứt "siêu nhỏ". Khi tấm màng bị biến dạng, những vết nứt này sẽ mở rộng ra và tự "sắp xếp" lại để kiểm soát độ co giãn. Đây chính là cơ chế quan trọng của công nghệ "điện tử đàn hồi".
|
Nhóm của giáo sư Lacour đang nghiên cứu áp dụng trên da nhân tạo để may thành găng điện tử co giãn 3 chiều bao xung quanh tay giả, có khả năng cảm nhận được các điều kiện môi trường như nhiệt độ, kích thước... Loại găng đặc biệt này có thể giúp tái tạo một phần xúc giác cho bệnh nhân bị đoạn chi nhờ một hệ thống các bộ phận thu phát tín hiệu được nối với hệ thần kinh để trao đổi thông tin và tương tác với các nơ-ron. Hiện da nhân tạo vẫn chưa được thử nghiệm trên lâm sàng vì các nhà nghiên cứu vẫn cần vài năm để thiết kế các bộ phận thu phát tín hiệu cho phù hợp với cấu trúc phức tạp của cánh tay.
Ngoài y học, "điện tử đàn hồi" còn thu hút được sự quan tâm của các nhà sản xuất điện thoại di động. Một ứng dụng thú vị là các loại điện thoại di động "siêu mềm mỏng" trong tương lai có thể đeo trên cổ tay như đồng hồ và kéo giãn màn hình theo yêu cầu.
Lan Chi
Bình luận (0)