Quân đội Israel đã yêu cầu người dân ở Gaza sơ tán về phía nam để đảm bảo an toàn, theo Reuters.
"Không còn nghe tiếng bom đạn"
T.D là tu nghiệp sinh ngành nông nghiệp vừa sang Israel cách đây 1 tháng. Trước ngày 12.10, cô và một số ít người Việt khác ở TP.Sderot. Đây là khu vực gần Dải Gaza, nơi có rủi ro cao trong xung đột giữa Hamas và Israel.
Khi mới sang, cô cùng 4 người khác ở chung trong một căn chung cư có phòng an toàn. Phòng an toàn có cách âm và chống bom đạn nên trong trường hợp cần thiết, mọi người sẽ vào trú ẩn ở đó.
Chia sẻ với Thanh Niên, T.D cho biết, hiện tại cô và mọi người đã được trung tâm đào tạo quốc tế về nông nghiệp Israel Agrostudies – nơi cô theo học đưa đến TP.Kiryat Malakhi, cách Dải Gaza khoảng 40 km. Mọi người di chuyển bằng xe buýt có sự hướng dẫn của những người ở trung tâm.
"Hiện tôi rất yên tâm sau khi đến chỗ ở mới. Ở đây yên tĩnh, không nghe tiếng bom đạn. Có các tu nghiệp sinh Campuchia, Bhutan… đi cùng đến nơi ở mới. Chúng tôi sẽ bắt đầu cuộc sống mới sau một thời gian ngắn ở TP.Sderot", chị chia sẻ.
Dù không ở gần vùng nguy hiểm nhưng Lê Văn Quốc (quê Quảng Nam) vẫn có chút lo lắng vì mới sang Israel được 2 tháng. Quốc là sinh viên đang thực tập tại vùng Arava, Israel.
Trước khi quyết định đặt chân đến đất nước này, nam sinh viên cũng có chút đắn đo về tình hình chính trị. Hiện Quốc và những người ở cùng vẫn an toàn và sinh hoạt bình thường.
"Quân đội, cảnh sát đi tuần tra thường xuyên nên mình không thấy hoảng sợ như những ngày trước. Mình có ứng dụng WhatsApp nếu có thông tin gì lên xem để nắm tình hình. Nếu nguy hiểm sẽ có còi báo động để mọi người chạy xuống hầm trú ẩn. Mình vẫn tiếp tục theo dõi, đặt sự cảnh giác lên mức cao nhất và luôn luôn kết nối với những người Việt khác để nắm bắt thông tin kịp thời", anh nói.
Chia sẻ khi hoạn nạn
Bà Hồng Shuranys (50 tuổi) sống và làm việc ở Israel đã 21 năm. Hiện gia đình bà ở TP.Netanya. Những ngày đầu xung đột xảy ra, mọi người ai cũng sợ hãi nhưng hiện tại đã bớt lo lắng hơn.
Khi được Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) gọi nhập ngũ, nhiều người tham gia khẩn trương, gấp rút. Chính vì vậy, hành trang họ mang theo chưa được đầy đủ, thiếu nhiều đồ dùng cá nhân. Nhiều khu dân cư ở Israel đã thành lập những điểm quyên góp, hỗ trợ người lính. Bà Hồng là một trong nhiều người Việt tích cực tham gia các hoạt động này.
"Trước đó chính phủ Israel có khuyến cáo người dân mua đủ thực phẩm dự trữ trong 72 ngày nên giờ tôi lấy ra quyên góp, nếu gia đình thiếu sẽ mua dùng sau. Tôi cũng đến các điểm quyên góp phụ đóng gói, sắp xếp", bà Hồng cho hay.
Cũng theo bà Hồng, người Việt ở các thành phố khác cũng nhiệt tình tham gia hỗ trợ như nấu cơm cho quân nhân, quyên góp thực phẩm đóng hộp, kem đánh răng, quần áo, bánh kẹo…
"Giữa tình hình xung đột có những diễn biến phức tạp tôi nghĩ rằng mỗi người phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Cộng đồng người Việt cùng chung tay với người dân Israel để đồng hành cùng quân nhân nơi tiền tuyến. Tôi hy vọng Israel – quê hương thứ hai của tôi sẽ bình yên trở lại", người phụ nữ bày tỏ.
Bình luận (0)