Theo AFP, tính đến ngày 9.10 đã có gần 1.200 người thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương trong cuộc xung đột Hamas-Israel.
Chuẩn bị tinh thần vào hầm trú ẩn
Anh Huỳnh Văn Dàu (21 tuổi, quê Bến Tre) đến Ramot theo diện tu nghiệp sinh từ đầu tháng 9 vừa qua. Khu vực này cách dải Gaza 250km, cách vị trí Lebanon bắn tên lửa khoảng 50km. Sáng 10.10, chia sẻ với Thanh Niên, anh cho biết bản thân vẫn ổn nhưng hiện vẫn phải nghỉ làm theo thông báo.
Các tu nghiệp sinh như anh sẵn sàng xuống hầm tránh bom bất cứ lúc nào khi có báo động. Họ cũng được các điều phối viên yêu cầu không ra khỏi nhà, không mở cửa cho bất kỳ ai.
"Hôm qua (9.10) phía Lebanon bắn 3 quả tên lửa cách chỗ tôi sống khoảng 30km nhưng tôi và mọi người xung quanh vẫn an toàn. Cửa hàng thực phẩm vẫn mở bán bình thường nhưng ít người ra đường, chỉ ra ngoài khi mua những nhu yếu phẩm cần thiết. Hầm trú ẩn cách chỗ tôi sống khoảng 10m nên tôi đã chuẩn bị tinh thần nếu có sự cố gì sẽ chạy vào đó cùng mọi người", anh nói.
Do đồ dự trữ đã hết nhưng không dám ra ngoài một mình, anh Dàu nhờ một người Thái Lan lái xe chở đi mua. Mọi người cùng giúp đỡ nhau, người Thái Lan ở gần đó cũng nhiệt tình hỗ trợ những tu nghiệp sinh người Việt như anh.
"Trong hợp đồng lao động ghi rõ nếu nghỉ làm do bị bệnh sẽ có lương, còn xin nghỉ vì lý do cá nhân thì không có. Còn trường hợp nghỉ làm do tình hình an ninh tôi chưa biết sẽ có lương hay không. Tuy nhiên, với tình hình chiến sự hiện tại, tôi nghĩ phương án ở nhà là hợp lý để đảm bảo an toàn", anh bày tỏ.
Xem nhanh 20h: Người Việt Nam trong chiến tranh Israel-Hamas
Hy vọng bình yên sẽ trở lại
T.D là sinh viên ngành nông nghiệp vừa sang Israel cách đây 1 tháng. Cô ở TP.Sderot, cách dải Gaza chỉ 15 - 20km. Hiện, trung tâm nơi cô theo học đã chuyển lương thực, nước uống đến cho các sinh viên. Những ngày này, cô cùng 4 bạn sinh viên khác ở yên trong nhà. Đó là một căn chung cư có 2 phòng ngủ, 1 phòng tắm, 1 phòng ăn, 1 phòng bếp, 1 phòng vệ sinh và đặc biệt 1 phòng an toàn. Phòng an toàn có cách âm và chống bom đạn nên trong trường hợp cần thiết, mọi người sẽ vào trú ẩn ở đó.
"Hôm qua (9.10) đến giờ vẫn có tiếng bom nhưng mình không còn lo sợ như ngày đầu. Ai nấy đều tải ứng dụng cảnh báo bom về điện thoại để nhận được thông báo khi có sự cố. Ở Việt Nam, mình đã biết tình hình chính trị ở đây nên đã chuẩn bị tâm lý trước. Vài ngày đầu mình khá hoảng khi nghe tiếng bom, giờ mình cố gắng giữ liên lạc với mọi người và ở yên trong nhà, cảm giác đỡ sợ hơn. Trong chung cư có phòng tránh bom sẵn nên khi nhận thông báo qua điện thoại nếu có tấn công tụi mình sẽ vào đó trú ẩn", T.D tâm sự.
Những ngày này, chị H., một người Việt sống và làm việc ở Israel cho hay, chị liên tục nhận tin nhắn và hàng trăm cuộc gọi và hỏi thăm, nên không kịp trả lời để mọi người nắm rõ tình hình. Đến thời điểm hiện tại, chị và các thành viên trong gia đình vẫn ổn. Chính phủ Israel đã kêu gọi người dân chuẩn bị nhu yếu phẩm ít nhất phải đủ 72 tiếng để sẵn sàng vào hầm trú ẩn. Mọi người đã trong tư thế sẵn sàng khi biết có thể sẽ mất điện và nước . "Lúc này là lúc khó khăn nhất nên những lời an ủi của mọi người đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh. Những ngày này tôi không dám ra đường vì lo lắng, hy vọng bình yên sẽ trở lại", chị chia sẻ.
Anh Thanh Nhật (28 tuổi, quê Nghệ An) hiện đang làm việc tại một quán ăn cách dải Gaza 100km. Anh cho biết, hiện anh vẫn đi làm bình thường, thực phẩm có sẵn ở quán nên không phải mua đồ dự trữ. Những ngày này, quán tăng cường nhập thêm nhiều đồ ăn, thực phẩm để bán cho người dân xung quanh. Lượng khách đến quán mua đồ dự trữ đông hơn rất nhiều so với bình thường. Khách chủ yếu là người già và trẻ em vì những người trẻ đã đi lính. Chỗ anh cũng có thông báo chỉ làm trong vài ngày nữa rồi nghỉ để đảm bảo an toàn.
Bình luận (0)