Xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang

19/09/2018 08:25 GMT+7

Chiến tranh thương mại toàn phần giữa Mỹ và Trung Quốc đang mấp mé ngưỡng bùng nổ sau những động thái phản ứng qua lại giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.

Rạng sáng qua (giờ VN), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% đối với các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc có giá trị 200 tỉ USD, nâng tổng giá trị hàng hóa phải chịu thuế của Bắc Kinh lên 250 tỉ USD. “Thuế suất mới sẽ có hiệu lực vào ngày 24.9 và được duy trì ở mức 10% cho đến hết năm nay. Vào ngày 1.1.2019, thuế sẽ được nâng lên 25%”, theo Reuters dẫn thông báo từ Nhà Trắng. Không dừng lại ở đó, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo sẽ “lập tức triển khai giai đoạn 3, theo đó đánh thuế lên 267 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc”, trong trường hợp Bắc Kinh trả đũa quyết định mới của Washington.
[VIDEO] Trung Quốc áp thuế trả đũa, Tổng thống Trump vẫn cứng rắn
Động thái trên của Mỹ lập tức gây phản ứng kịch liệt từ Trung Quốc. Vài giờ sau thông tin từ Nhà Trắng, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố trả đòn: “Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như bảo đảm trật tự của thương mại tự do quốc tế, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác mà phải trả đũa ngay lập tức”. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận các hành vi đơn phương về thương mại của Mỹ như hiện nay, và chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump thiếu sự “chân thành” trong quan hệ đối tác. Bloomberg dẫn nguồn thạo tin tiết lộ Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, cùng ngày cấp tốc họp khẩn để thảo luận biện pháp ứng phó. Tối 18.9, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế lên hàng hóa nhập từ Mỹ trị giá 60 tỉ USD, với mức thuế 5 và 10%, cũng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24.9, theo Reuters.
Phản ứng dồn dập giữa hai nước cho thấy căng thẳng thương mại song phương đang lên mức cao trào khi các vấn đề về thâm hụt thương mại và quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa được giải quyết, bất chấp nhiều vòng đàm phán. “Chúng tôi đã nói rất rõ về các thay đổi cần phải được tiến hành và trao cho Trung Quốc mọi cơ hội có thể để đối xử công bằng hơn về thương mại. Thế nhưng, đến nay Trung Quốc không sẵn lòng thay đổi những thói quen đó”, Đài CNBC dẫn lời Tổng thống Trump. Trong lần áp thuế mới, Nhà Trắng loại khoảng 300 mặt hàng khỏi danh sách đề xuất, bao gồm đồng hồ thông minh, thiết bị bluetooth, một số hóa chất và sản phẩm khác. Mỹ cũng không liệt các nguyên tố đất hiếm, kim loại sử dụng trong nam châm, radar và các mặt hàng điện gia dụng vào danh sách cuối cùng. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đợt 3 như cảnh báo thì tất cả hàng hóa còn lại từ Trung Quốc đều sẽ bị Mỹ đánh thuế.
[VIDEO] Tổng thống Trump áp thuế lên 200 tỉ USD hàng Trung Quốc
Tờ South China Morning Post dẫn lời một quan chức cấp cao của Bắc Kinh cho hay nước này đang cân nhắc lại kế hoạch gửi phái đoàn do ông Lưu Hạc dẫn đầu đến Washington, vì phía Mỹ thiếu “thiện chí”. Cho đến nay, Trung Quốc đã áp thuế hoặc đề nghị thuế suất mới với 110 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Nhân dân tệ đã sụt 0,3% giá trị so với đồng USD trên thị trường châu Á hôm 18.9. Giám đốc đầu tư toàn cầu của UBS Wealth Management Mark Haefele nhận định căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ càng tồi tệ hơn trong thời gian tới trước khi có thể đảo chiều. Theo giới chuyên gia, “chiến tranh thương mại toàn phần đang chực chờ bùng nổ”.
Cơ hội cho Đông Nam Á
Theo giới quan sát, cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động mạnh đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có nhiều đối tác thân thiết của cả hai nước. Trong bài viết trên South China Morning Post, nhà bình luận Karim Raslan nhận định các biến động hiện nay sẽ dẫn tới việc thiết lập lại những dây chuyền cung ứng hàng hóa quan trọng do các nhà xuất khẩu và tập đoàn lớn phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất tại Trung Quốc nhằm giảm ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột. Ông Raslan cho rằng đây có thể là cơ hội tốt cho các nước Đông Nam Á có nguồn nhân lực và nền kinh tế phát triển năng động, trong đó có VN. Theo công ty săn đầu người DHR International, nhiều công ty hoạt động ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đang chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang VN, Malaysia, Ấn Độ và Bangladesh. Các nhà phân tích cho rằng điều quan trọng là chính phủ các nước phải có quyết định táo bạo về cải thiện môi trường đầu tư và thương mại để trở thành điểm thu hút mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.