Hôm qua 26.11, Reuters đưa tin lực lượng Nga đang tiến vào Ukraine với tốc độ nhanh nhất kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự tháng 2.2022. Cụ thể, Nga chiếm một khu vực có diện tích hơn 600 km² chỉ trong 1 tháng. Đặc biệt, chỉ tính trong một tuần gần nhất, Nga chiếm khu vực rộng hơn 235 km² - đây là tốc độ mở rộng vùng chiếm đóng nhanh nhất trong một tuần mà Moscow từng đạt được tính từ tháng 2.2022.
Giành ưu thế trước hồi kết
Không những vậy, quân đội Ukraine cùng ngày 26.11 thông báo Nga đã phóng 188 máy bay không người lái (UAV) tấn công vào nước này trong đêm. Theo Kyiv, đây là số lượng UAV tấn công kỷ lục của phía Moscow. Mặt khác, Moscow cũng gần đây liên tục phát đi thông điệp sẵn sàng thảo luận với chính quyền của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sắp tới về giải pháp hòa bình.
Thực tế những ngày qua, hai bên đều tăng cường các cuộc tấn công trên không. Ngày 25.11, trang Ukrainska Pravda dẫn nguồn từ một số chuyên gia phân tích cho rằng Ukraine đã lần đầu tiên phóng tên lửa ATACMS cùng với đầu đạn chùm để tấn công sân bay quân sự Kursk-Vostochny (tỉnh Kursk, Nga). Từ tuần trước, sau khi truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền của đương kim Tổng thống Joe Biden cho phép Kyiv được dùng vũ khí tầm xa do Washington cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, thì Ukraine đã phóng một số tên lửa ATACMS nhằm vào lãnh thổ đối phương.
Giới phân tích nhận định cuộc xung đột Ukraine đang bước vào giai đoạn mà một số quan chức Nga và phương Tây cho rằng có thể là giai đoạn nguy hiểm nhất sau khi các lực lượng của Moscow đạt được một số lợi ích lãnh thổ lớn nhất và Washington cho phép Kyiv tấn công trả đũa bằng tên lửa của Mỹ.
Trong phân tích gửi đến Thanh Niên, chuyên gia của Eurasia Group (Mỹ), đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, so sánh những gì đang diễn ra ở cuộc xung đột Ukraine như nỗ lực của hai đội bóng vào những phút cuối của trận đấu. "Tiếng còi của trận đấu sẽ sớm vang lên sau ngày 20.1.2025 (khi ông Trump nhậm chức)", chuyên gia của Eurasia Group (Mỹ) phân tích.
Trả lời Thanh Niên, một chuyên gia tình báo quân sự từng dự báo ông Trump sẽ sử dụng "lá bài" viện trợ nhằm gây áp lực buộc Kyiv ngồi vào bàn đàm phán ngay cả khi không nhận được điều kiện Moscow trả lại các khu vực đã chiếm đóng. Ngược lại, Moscow cũng bị gây áp lực phải ngồi vào bàn đàm phán trước sức ép quân sự khi Washington tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Kyiv. Chính vì thế, giờ đây cả hai bên đều cố gắng đạt ưu thế trước khi đàm phán. Với Nga thì ưu thế là khu vực chiếm đóng thành công, với Ukraine thì ưu thế là răn đe quân sự đủ sức tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương.
Ukraine nghiên cứu tên lửa mới của Nga
"Đồ chơi" của hai bên
Vừa qua, Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) để tấn công Ukraine như một thông điệp răn đe không chỉ với Kyiv mà cả EU. Nhưng đây có lẽ là bước leo thang cao nhất mà Nga có thể dùng, nếu không tính đến đầu đạn hạt nhân mà IRBM có thể mang theo. Nếu không chứa đầu đạn hạt nhân, thì ngay cả Nga phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cũng không có nhiều ý nghĩa hơn so với IRBM.
Trả lời Thanh Niên về khả năng Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân, một chuyên gia tình báo quân sự Mỹ đánh giá: "Moscow đã ngụ ý khả năng tấn công hạt nhân. Nhưng thực tế nếu Nga dùng vũ khí hạt nhân tấn công Ukraine, trong thời tiết hiện nay với nhiều cơn gió, thì bức xạ hạt nhân phát ra sẽ ảnh hưởng đến Belarus, Nga và các thành viên NATO lân cận ở mức độ nghiêm trọng gần ngang với Ukraine".
Trong khi đó, Mỹ vừa chính thức xác nhận đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga. Như vậy, Washington có thể sắp gửi thêm tên lửa ATACMS cho Ukraine. Bên cạnh đó, những ngày qua, một số thông tin chưa được xác nhận đã cho rằng Mỹ sắp xúc tiến việc chuyển tên lửa JASSM cho Ukraine. Thực ra, từ tháng 9 thì đã có thông tin này nhưng đến nay vẫn chưa được xác nhận. JASSM là loại tên lửa không đối đất có độ chính xác cao với tầm bắn khoảng 370 km.
Không xa hơn đáng kể so với tầm bắn 300 km của ATACMS, nhưng JASSM có thể được phóng đi từ chiến đấu cơ F-16 nên tầm tác chiến sẽ lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao JASSM đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định thì Ukraine mới có thể tác chiến.
Trước mắt, theo Bloomberg đưa tin Anh vừa quyết định chuyển thêm tên lửa Storm Shadow cho Ukraine sử dụng. Phiên bản cao nhất của Storm Shadow có tầm bắn khoảng 500 km.
Như vậy, cả Nga lẫn Ukraine - với sự hậu thuẫn của phương Tây - dường như đang tìm cách tung hết khả năng tấn công (có thể có) nhằm vào đối phương.
Bình luận (0)