Diễn đàn Về hay ở lại? xung quanh chuyện đoàn công tác 10 người của Hội Chữ thập đỏ VN được cử sang Nepal để “Học tập kinh nghiệm nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thảm họa động đất”.
Đội cứu hộ của Liên hiệp Các hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đang tìm kiếm
nạn nhân trận động đất tại Nepal - Ảnh: AFP |
Sự trùng hợp đã xảy ra, một trận động đất kinh hoàng đã biến đất nước Nepal thành đống đổ nát đúng vào ngày đoàn công tác ra sân bay để về VN (26.4), tuy nhiên, đoàn công tác đã bị kẹt lại ở Nepal, đến trưa 28.4 mới về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội). Thanh Niên nhận rất nhiều ý kiến của bạn đọc.
Tự lo được cho chính mình đã là có trách nhiệm
Thứ nhất, đây là đoàn đi học tập kinh nghiệm, nghĩa là vẫn trong quá trình học hỏi. Những người trong đoàn, chưa bao giờ bị trải qua một trận động đất chứ đừng nói tới một trận động đất mạnh như vừa rồi ở Nepal.
Thứ hai, theo lịch trình thì visa của họ hết hạn vào ngày 26.4. Nội cái việc giấy tờ thủ tục này đã có thể khiến cả đôi bên mất thời gian công sức rồi. Chưa kể, tôi trộm nghĩ cả đoàn chưa chắc có một người biết tiếng bản địa để mà giao tiếp.
Tóm lại, đoàn Hội Chữ thập đỏ VN ở một nơi xa nhà, lạ nước lạ cái, tiếng nói không rành, đường đi nước bước không biết, sức khỏe thì không chắc hơn ai, kinh nghiệm chuyên môn ứng phó thảm họa gần bằng 0… hẳn không khác gì một gánh nặng cho chính quyền nước sở tại vốn đang rối như canh hẹ. Lương thực, nhu yếu phẩm lại đang khan hiếm, ở lại nghĩa là đoàn góp thêm mười miệng ăn cho người ta.
Tôi tin quyết định rút về vừa rồi của đoàn Hội Chữ thập đỏ là sáng suốt, kiểu như tang gia bối rối, ta không giúp được gì thì gửi cái bao thư và xin phép cáo lui cho đỡ chật nhà người ta, đó mới là biết người biết việc. Việc ra về vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, vừa trút gánh nặng không cần thiết cho nước bạn và nhất là có trách nhiệm với người thân ở nhà.
Phạm Quy
(TP.HCM)
(TP.HCM)
Phải nghĩ đến người thân đang ngóng chờ chúng ta
Theo quan điểm của cá nhân tôi, để bảo toàn tính mạng cho mình trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng như thế là điều hoàn toàn cần làm, bởi nhiều lý do: Thứ nhất, khi xảy ra thảm họa thì những người thân ở quê nhà rất lo lắng, vì vậy cho dù không nghĩ đến bản thân mình thì chúng ta cũng phải nghĩ đến gia đình và không thể để người thân sống trong cảnh lo âu, ngóng chờ, hồi hộp từng giờ từng phút. Thứ hai, nếu ở lại trong hoàn cảnh, điều kiện như thế thì chúng ta cũng chẳng còn tâm trạng gì để giúp đỡ người khác. Về không có nghĩa là chúng ta bỏ mặc họ tất cả mà sẽ tìm cách giúp đỡ họ bằng nhiều hình thức khác nhau.
Lê Hoàng Dung
(ngụ tại H.Tân Châu, tỉnh An Giang)
(ngụ tại H.Tân Châu, tỉnh An Giang)
Về để tìm cách giúp đỡ sẽ tốt hơn
Có ai dám chắc rằng những thành viên của Hội Chữ thập đỏ VN ở lại Nepal vào thời điểm đó sẽ được an toàn? Ai đảm bảo được tính mạng của họ trong khi các cơn dư chấn liên tục xảy ra khắp nơi? Nếu họ ở lại thì nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của họ bất cứ lúc nào. Giúp người có nhiều cách, nhưng trước tiên phải biết thương, biết quý bản thân mình vì sau lưng mình còn có gia đình, người thân. Theo tôi, chọn phương án về để tìm cách giúp đỡ người dân Nepal sẽ tốt hơn là ở lại. Bởi một khi chúng ta đã về đến nơi an toàn, coi như mình vừa thoát được cái chết. Lúc ấy, mình sẽ hình dung lại những gì mắt thấy tai nghe sẽ có cách kêu gọi, vận động nhiều người chung tay giúp đỡ người dân Nepal thì sẽ tốt hơn rất nhiều lần.
Trần Minh Thuận
(ngụ tại P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
(ngụ tại P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Tùy vào tình hình và khả năng
Theo tôi tùy vào tình hình và khả năng của mỗi người mà quyết định nên về hay ở lại. Có thể về hoặc không. Nếu như ở lại, dù không biết ngôn ngữ địa phương, hoặc chưa chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống này, thì không giúp được chuyện này vẫn có thể giúp được chuyện khác. Hoặc có thể ở lại để học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên về cũng không phải là một điều gì đáng chê trách khi ai cũng cần cho mình sự an toàn. Bản thân tôi, nếu trong tình huống này, tôi sẽ ở lại.
Hà Ngọc Quý
(sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
(sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Chắc chắn là ở lại
Lúc Nepal vừa xảy ra động đất tôi còn nảy ra ý định xin nghỉ làm để sang đó xem có giúp được gì không. Vì thế nếu là tôi, chắc chắn 100% là tôi sẽ ở lại chứ không bỏ về. Ít nhất là sẽ giúp được người dân nơi đây trong việc dùng sức và kinh nghiệm của mình để tìm kiếm nạn nhân mất tích và thương vong. Hoặc hỗ trợ các lực lượng tìm kiếm trong việc tiếp quản lương thực, thực phẩm chẳng hạn. Cũng có thể khi có mặt tại đó, sẽ truyền đạt thông tin ra bên ngoài một cách chân thực và thực tế, chính xác hơn, qua đó có thể đánh động được nhận thức và tình cảm của cộng đồng mạng, và biết đâu cộng đồng mạng sẽ hỗ trợ, giúp đỡ tiền bạc, thuốc men… cho người dân nơi đây.
Trịnh Thị Mai Hạnh
(đang học và làm việc ởNew Zealand)
(đang học và làm việc ởNew Zealand)
Nếu ở lại thì rất đáng khen ngợi
Việc ở lại hay ra về của Hội Chữ thập đỏ quả là một điều đáng bàn. Theo tôi, nếu họ ở lại thật sự rất đáng tuyên dương. Ngoài việc hỗ trợ chính quyền Nepal cứu người bị nạn họ còn tạo nên nét văn hóa đẹp của người Việt nơi đất khách. Với những hành động đầy thiện chí như vậy chúng ta sẽ có quyền tin tưởng rằng chúng ta đã chọn đúng người để trao gửi niềm tin. Là những người được huấn luyện về kỹ năng phòng chống thiên tai, hơn ai hết họ cần hiểu rằng mọi thứ không nên quá cứng nhắc và cần phải có sự linh hoạt để thực hiện thành công sứ mạng của mình. Dẫu biết rằng sẽ có những vấn đề liên quan đến thủ tục ở và về; tuy nhiên tôi tin họ sẽ giải quyết được nếu họ thực sự có tâm với công việc của mình.
MC Anh Đào
Quan trọng là có muốn ở lại không
Theo tôi, họ nên ở lại để trợ giúp người dân nơi đang xảy ra thảm họa. Đừng bao giờ biện minh rằng “người có lòng nhưng điều kiện không cho phép” để lý giải vì sao phải về mà không ở lại. Nếu cho rằng bất đồng ngôn ngữ, tại sao không dùng ngôn ngữ hình thể để trao đổi. Nói chung rào cản hay khó khăn nào cũng có thể giải quyết được, quan trọng là bản thân có muốn ở lại không mà thôi.
Hồng Tú
(nhóm làm phim DAMtv)
(nhóm làm phim DAMtv)
Người cần bạn giúp đỡ sẽ trông cậy vào ai ?
Nếu bạn là du khách thì chuyện bạn chạy thoát càng nhanh càng tốt, bạn ở lại chỉ thêm phiền vì còn rất nhiều người khác cần giúp đỡ. Nếu bạn là nhân viên cứu trợ mà bạn chạy đi thì những người cần bạn giúp đỡ sẽ trông cậy vào ai?
Không biết tiếng Anh thì cử cả phái đoàn 10 người đi qua đó làm gì? Cứu người, giúp người thì đến người câm, người điếc cũng làm được. Nếu vì không biết ngôn ngữ mà các bạn bó tay thì câu hỏi là các bạn đã được đào tạo kiểu gì? Gặp người nước ngoài bị nạn, các bạn chỉ biết đứng nhìn chắc?
Văn Minh
(vanminh@mail.com)
(vanminh@mail.com)
Thanh Niên mong nhận được ý kiến bạn đọc, xin gửi về địa chỉ phanhoibandoc@thanhnien.com.vn
|
Bình luận (0)