Dư luận đang bàn cãi việc sách giáo khoa (SGK) sửa đoạn kết truyện Tấm Cám. Qua sự việc này cho thấy vấn đề trong quá trình biên soạn SGK hiện nay cũng như cách nhìn nhận hợp lý về tính chất của tác phẩm văn học dân gian.
SGK có hai... cô Tấm
Năm 2006, khi đổi mới chương trình - SGK phổ thông, ở cấp THPT tồn tại 2 loại sách trong bộ SGK: một bộ phục vụ chương trình chuẩn, một cho nâng cao.
|
Tư tưởng chỉ đạo để thực hiện 2 bộ sách này là “chương trình nâng cao phải dựa vào chương trình chuẩn”. Nghĩa là giữa chúng - theo quy định của Bộ GD-ĐT - phải “thống nhất về quan điểm xây dựng chương trình, về văn bản và về quan điểm chung nội dung giảng dạy”.
Truyện dân gian thường có nhiều dị bản. Hội đồng thẩm định SGK nhận thấy dị bản mà Giáo sư Chu Xuân Diên chép có cái kết chừng mực, phù hợp với yêu cầu giáo dục hơn, nên đã quyết định chọn dị bản đó để đưa vào giảng dạy
|
|
GS Nguyễn Minh Thuyết - Chủ tịch Hội đồng thẩm định bộ môn ngữ văn |
Tuy nhiên, quan điểm này dường như đã không được áp dụng một cách toàn vẹn trong SGK Ngữ văn lớp 10 hiện hành, cụ thể là cùng một tác phẩm Tấm Cám nhưng lại có 2 cái kết không giống nhau. Trong bộ sách chuẩn, đoạn kết truyện Tấm Cám dựa theo Nguyễn Đổng Chi, có nội dung: “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố. Cám chết...”. Trong khi đó ở sách nâng cao, dựa theo Chu Xuân Diên - Lê Chí Quế, lại viết: “Theo lời chỉ bảo của Tấm, Cám sai đào một hố thật sâu và xuống ngồi dưới, rồi gọi người đem nước sôi giội xuống hố. Cám chết còng queo”.
Một giáo viên dạy văn Trường THPT Phạm Hồng Thái - Hà Nội nhận xét: “Từ sự không thống nhất văn bản như vậy rõ ràng sẽ có 2 đánh giá khác nhau về tính cách Tấm. Cô Tấm ở sách chuẩn do hoàn toàn chủ động trong việc trả thù Cám nên sẽ khác với cô Tấm ở sách nâng cao, cái chết của Cám không phải là sự trả thù mà là biểu hiện cho cái ác bị trừng trị. Cám vì tham lam nên đã chủ động sai người giội nước sôi”... Cũng theo giáo viên này, trong cùng một thế hệ học sinh, cô Tấm theo chương trình chuẩn sẽ được người dạy, người học đánh giá là hơi ác - chí ít là qua cách trả thù. Còn cô Tấm theo chương trình nâng cao thì nhân hậu hơn. Giáo viên này nói: “Một tác phẩm đưa vào chương trình mà không thống nhất như vậy thì chúng tôi cảm thấy rất lúng túng”.
Giáo sư Chu Xuân Diên đã “xây dựng tình tiết mới” Chiều 8.11, Giáo sư Chu Xuân Diên cho PV Báo Thanh Niên biết: “Để tạo nên cái kết của truyện Tấm Cám (được sử dụng trong Ngữ văn lớp 10, chương trình nâng cao), tôi dựa theo truyện Tấm Cám nằm trong tác phẩm Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 4 của cố Giáo sư Nguyễn Đổng Chi. Theo tìm hiểu của tôi thì để có truyện này, cố Giáo sư Chi dựa theo bài viết đăng ở một tập san bằng tiếng Pháp năm 1905 của ông Đỗ Thận và một số ghi chép qua lời kể của người dân Bắc bộ. Cái kết trong sách chương trình nâng cao tạo ra chi tiết mới: Cám chủ động cho người đào hố và gọi người đổ nước sôi lên mình. Tôi xây dựng tình tiết này để thấy Tấm không tàn bạo, độc ác, giúp Tấm không mất đi vẻ đẹp về tính cách, tâm hồn ở đoạn đầu của truyện. Văn học dân gian thì thường có nhiều dị bản. Cũng truyện Tấm Cám, một nghiên cứu của khoa Ngữ văn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM sưu tầm, tổng hợp trong 2 năm (2002-2003) có đến 17 dị bản khác nhau”. Minh Luân |
Lệch pha giữa tác giả và hội đồng thẩm định
Trao đổi với PV Thanh Niên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Chủ tịch Hội đồng thẩm định bộ môn ngữ văn, cho biết: “Khi thẩm định hai bộ SGK (theo chương trình chuẩn và chương trình nâng cao) môn ngữ văn lớp 10, Hội đồng thẩm định đã yêu cầu cả hai bộ sách thống nhất lấy dị bản tác phẩm Tấm Cám của Giáo sư, nhà nghiên cứu văn học dân gian Chu Xuân Diên”.
Ông giải thích: “Truyện dân gian thường có nhiều dị bản. Lời kể có chi tiết Tấm dội nước sôi giết Cám rồi làm mắm, gửi cho mẹ Cám cũng chỉ là một dị bản thôi. Hội đồng thẩm định SGK nhận thấy dị bản mà Giáo sư Chu Xuân Diên chép có cái kết chừng mực, phù hợp với yêu cầu giáo dục hơn, nên đã quyết định chọn dị bản đó để đưa vào giảng dạy. Tuy nhiên, sau khi bộ SGK Ngữ văn 10 theo chương trình chuẩn in ra thì chúng tôi mới phát hiện là tác giả của bộ sách không làm đúng yêu cầu của Hội đồng thẩm định, đã lấy dị bản khác, còn sách nâng cao thì vẫn lấy dị bản của Giáo sư Chu Xuân Diên. Như vậy là, có 2 dị bản khác nhau được đưa vào SGK Ngữ văn lớp 10. Sau khi phát hiện, tôi đã trao đổi ngay với Tổng chủ biên và phản ánh điều này với NXB Giáo dục. Nhưng cho đến nay, sách vẫn chưa được sửa”.
Nhìn truyện cổ tích bằng mắt người xưa
Trong đề tài nghiên cứu mang tên “Về cái chết của mẹ con người dì ghẻ trong truyện Tấm Cám”, Giáo sư Chu Xuân Diên cho rằng: “Truyện Tấm Cám là một truyện cổ tích. Tính chất cổ xưa của truyện Tấm Cám không chỉ do đề tài, cốt truyện và các mô típ của nó có nguồn gốc từ những thực tại và quan niệm về thực tại của con người từ "ngày xửa ngày xưa" chứ không phải là sự phản ánh trực tiếp các sự kiện lịch sử - xã hội của các thời kỳ lịch sử sau này và quan niệm của con người thuộc các thời kỳ lịch sử sau này về những sự kiện ấy”. Ông diễn giải: “Tính cổ xưa của truyện cổ tích còn thể hiện ở chỗ những hành động và đặc điểm tính cách của nhân vật trong truyện cổ tích nếu đối với người "ngày xửa ngày xưa" là hợp lý, thì đối với người hiện nay là vô lý. Khi truyện cổ tích mở đầu rằng "Ngày xửa, ngày xưa...", thì chính là đã chuẩn bị cho người nghe một tâm thế phù hợp để bước vào cái thế giới của những điều vô lý đầy sức hấp dẫn ấy”.
Nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (khoa Văn học - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định: “Tác giả SGK không được phép tự ý sửa chữa văn bản. Phải trích dẫn cụ thể một dị bản đã được ghi và lưu truyền”. “Đẽo cày giữa đường thì không phải là SGK, không phải cứ sợ học sinh không hiểu hoặc sửa theo hướng xấu mà tự ý sửa chữa tác phẩm văn học” - ông Vĩ nói.
Ý kiến Nên giữ như trước Văn học dân gian có thể có những dị bản khác nhau nhưng theo tôi, truyện Tấm Cám cần giữ nguyên nội dung như trước kia, còn nếu cắt bỏ thì có thể thay thế truyện Tấm Cám bằng một truyện khác. Có thể việc trả thù của Tấm rất độc ác và thủ đoạn nhưng truyện này rất thông dụng và hầu như ai cũng biết. Tôi nhớ, trước khi áp dụng chương trình SGK mới, có một bộ sách thí điểm, trong đó truyện Tấm Cám chỉ dừng ở đoạn cô Tấm được nhà vua rước về cung. Rất nhiều giáo viên phản ánh là không nên cắt bỏ nội dung sau. Sau đó, thì người ta biên soạn lại nội dung như hiện nay”. TS Nguyễn Thị Ngọc Điệp (Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam, khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) SGK sử dụng nhiều nguồn khác nhau là bình thường Truyện này rất hay và không thể thay thế được vì gắn với nguồn gốc Đông Nam Á và Ấn Độ. Ngày xưa người ta đọc thì không ai để ý đến tính dã man trong truyện. Nhưng tình tiết đó lại không phù hợp với hiện nay. Tôi nghĩ không ai có quyền sửa một truyện vừa mang tính quốc tế, vừa mang tính tái sinh thuộc vào loại lớn nhất thế giới. Còn việc 2 SGK sử dụng đoạn kết theo 2 nguồn khác nhau cũng hết sức bình thường. PGS-TS Đoàn Lê Giang (Trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) Để học sinh tư duy, thể hiện quan điểm của mình “Khi tôi dạy học sinh cả hệ nâng cao và cơ bản, rất nhiều em thắc mắc về truyện cổ tích Tấm Cám (chương trình SGK Ngữ văn lớp 10) có nội dung khác với truyện mà các em đã từng đọc, nghe ông bà kể. Tôi phải giải thích cho các em rõ về những thay đổi tình tiết trả thù của Tấm. Nếu như bản trước kia, sự trả thù của Tấm là thể hiện quan điểm cái ác phải bị trừng trị thích đáng thì bản hiện hành nhẹ nhàng hơn. Tôi không áp đặt học sinh hiểu theo cách nào, các em có quyền tư duy, thể hiện quan điểm của mình”. Cô Vũ Thị Sông (Tổ trưởng Tổ văn Trường THPT Nguyễn Trãi, Q.4, TP.HCM) Minh Luân (ghi) |
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)