Vừa qua, Hãng phim truyện Việt Nam, nơi trực tiếp quản lý đoàn làm phim Giải phóng Sài Gòn đã chủ động đứng ra tổ chức cuộc họp giải quyết tranh chấp bản quyền họa sĩ chính của bộ phim truyện nhựa Giải phóng Sài Gòn với mục đích làm sáng tỏ vụ việc trên. Thành phần được mời tham dự cuộc họp này gồm: họa sĩ Nguyễn Đức Dụ, lãnh đạo Thanh tra Bộ, lãnh đạo Cục Điện ảnh, đại diện Cục Bản quyền tác giả của Bộ VH-TT; Ban Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam; lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam; đạo diễn Long Vân, chủ nhiệm Vũ Văn Nha, họa sĩ Nguyễn Dân Nam (họa sĩ chính của phim Nguyễn Ngọc Tuân không có mặt do bị mổ dạ dày). Song, "nhân vật chính" quan trọng nhất của cuộc họp là họa sĩ Nguyễn Đức Dụ lại không đến với những lý do (được nêu trong thư gửi đến) như sau: "Tôi đang khiếu nại Hãng phim truyện Việt Nam về việc chiếm dụng trái phép bản quyền 44 bức phác thảo bối cảnh của phim... mà chính chủ nhiệm phim đã ký hợp đồng nguyên tắc với tôi. Tôi là bên khiếu nại, Hãng phim truyện Việt Nam là bên bị khiếu nại. Do đó, chỉ khi nào các cơ quan chức năng cấp trên triệu tập thì tôi mới đến. Lý do thứ 2 theo như giấy mời thì tôi là một bên tranh chấp bản quyền họa sĩ chính, nhưng tôi không tranh chấp mà tôi khiếu nại Hãng phim truyện Việt Nam chiếm dụng trái phép bản quyền 44 phác thảo bối cảnh phim Giải phóng Sài Gòn. Mặt khác không có họa sĩ chính nào tranh chấp với tôi cả". Tuy nhiên, theo số đông biểu quyết của những người tham gia, cuộc họp vẫn được tiến hành.
Đại cảnh chiến đấu
Vụ việc được tóm tắt như sau: Sau khi được Bộ VH-TT duyệt kịch bản làm phim Giải phóng Sài Gòn (chưa duyệt tổng dự toán), đoàn làm phim (cụ thể là đạo diễn Long Vân và Vũ Văn Nha) đã ký hợp đồng vụ việc với họa sĩ Nguyễn Đức Dụ ngày 20/11/1988 về việc vẽ 44 bức phác thảo bằng bột màu với số tiền là 12 triệu đồng chẵn. Sau khi hợp đồng vụ việc với ông Dụ chấm dứt, ông Dụ không tham gia bất cứ việc gì trong đoàn làm phim nữa.
Tháng 5/2000, sau khi xem phim Giải phóng Sài Gòn, họa sĩ Nguyễn Đức Dụ đã viết đơn gửi ban lãnh đạo Hãng phim truyện Việt Nam và các cơ quan chức năng trong đó ghi rõ: "Thật bất ngờ, sau khi xem xong bộ phim Giải phóng Sài Gòn, bối cảnh thì của mình mà lại mang tên một họa sĩ khác... Rõ ràng, đây là một vụ chiếm đoạt bản quyền tác phẩm một cách trắng trợn và cực kỳ thô bạo".
Trước sự việc trên, đạo diễn Long Vân và chủ nhiệm phim Vũ Văn Nha cho rằng mục đích việc khiếu kiện trên của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ chỉ là "để khẳng định mình chính là họa sĩ chính của bộ phim Giải phóng Sài Gòn". Hai ông cũng đã giải thích: "Mục đích của chúng tôi ký hợp đồng thuê họa sĩ Nguyễn Đức Dụ vẽ 44 bức phác thảo bối cảnh là để trình bày cho các cấp lãnh đạo và các cơ quan ban ngành có trách nhiệm xét duyệt dự toán cho bộ phim Giải phóng Sài Gòn có cảm nhận rõ hơn về quy mô và mức độ đầu tư cho bộ phim". "Còn việc có sử dụng các phác thảo bối cảnh này cho việc xây dựng các bối cảnh trong quá trình quay sau này, lúc đó, chúng tôi còn chưa tính tới vì chưa đi chọn cảnh và chưa được duyệt tổng dự toán. Và thực tế, chúng tôi đã không sử dụng những phác thảo này trong quá trình quay". Cũng theo các nhà làm phim, về nguyên tắc, họa sĩ chỉ được coi là họa sĩ chính khi có tên trong quyết định thành lập những thành phần chủ chốt của đoàn làm phim; họa sĩ phải tham gia đầy đủ các giai đoạn chọn cảnh và trực tiếp chỉ đạo xây dựng, cải tạo, tổ chức tất cả các bối cảnh, hoặc tất cả những bối cảnh quan trọng nhất trong suốt quá trình quay phim. "Tên của họa sĩ Nguyễn Đức Dụ đã được chúng tôi đưa vào danh sách các họa sĩ tham gia vào bộ phim nhưng không phải là họa sĩ trong thành phần chủ yếu của phim".
Cuộc họp tại Hãng phim truyện Việt Nam kéo dài hơn 2 giờ đã có những kết luận chính như sau: ông Dụ không hiểu về nghiệp vụ chuyên môn, trách nhiệm, nghĩa vụ quyền lợi của họa sĩ chính trong phim nên mới khiếu nại đòi được là họa sĩ chính của phim; ông Dụ không có tên trong quyết định thành lập đoàn làm phim Giải phóng Sài Gòn (do lãnh đạo Cục Điện ảnh ký); Hợp đồng vẽ 44 bức phác thảo chỉ là hợp đồng vụ việc (chứ không phải hợp đồng sáng tác) của đoàn làm phim với ông Dụ, hãng chưa bao giờ ký bất cứ một hợp đồng nào với ông Dụ nên hãng cũng không có trách nhiệm liên quan.
Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT Ngô Thi Sỹ nêu ý kiến rằng đoàn làm phim đã thực hiện quá đầy đủ trách nhiệm hợp đồng vụ việc với họa sĩ Nguyễn Đức Dụ. Còn ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam khẳng định sẽ không theo vụ khiếu nại này nữa vì mọi việc đã quá rõ ràng.
Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ: “Tôi sẽ tiếp tục khởi kiện...” * Anh có biết họa sĩ chính của phim là người phải có tên trong quyết định thành lập đoàn làm phim, phải có mặt trong cả quá trình làm phim từ đầu đến cuối, lo toàn bộ về bối cảnh, đạo cụ, phục trang... không? - Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ: Có. Tôi biết rất rõ điều ấy. Nhưng tôi có khiếu nại để đòi là họa sĩ chính của phim đâu. Bản thân tôi xác định mình không phải là họa sĩ chính của phim mà. Họa sĩ chính là người của bên điện ảnh. * Vậy anh kiện để đòi quyền lợi gì? - Chắc chắn không phải quyền lợi về tiền bạc. Tôi muốn phải có tên ở phần generic đầu của phim chứ không phải là tên dòng chữ bé xíu, nhằng nhịt dày đặc như một trang báo ở cuối phim có tính chất cảm ơn. Tôi cũng góp phần nhỏ sáng tác của mình cho phim. Trên thực tế, bối cảnh của tôi được sử dụng rất nhiều trong phim: cảnh phá khám Chí Hòa, trận tuyến Vai-an, cảnh may cờ giải phóng, cảnh tiến vào Xuân Lộc, cảnh rừng cao su... Dù tranh của tôi chỉ là phác thảo trên mặt phẳng, còn bối cảnh điện ảnh là không gian 3 chiều nhưng chắc chắn những người trong nghề nhìn phác thảo và xem phim sẽ nhận ra ngay là bối cảnh ấy trong phim dựa trên những phác thảo của tôi. Tôi đòi hỏi sự công bằng. * Vậy theo anh, tên của anh phải được đề trên phim là gì? - Theo tôi nghĩ phải ghi rõ là Họa sĩ phác thảo bối cảnh: Nguyễn Đức Dụ. Ít ra cũng phải ngang bằng với tên âm nhạc của phim. * Nhưng hợp đồng của anh với đoàn làm phim chỉ là hợp đồng vụ việc. Trong hợp đồng cũng không thỏa thuận gì đến điều kiện có tên hay không trong generic phim. - Tác phẩm nghệ thuật không phải sản phẩm vật chất đơn thuần. Khi mua một bức tranh, anh có thể có toàn quyền với nó như cho, tặng hay bán, thậm chí là phá nó đi nếu anh không thích nhưng tuyệt đối anh không được quyền thay tên tác giả của bức tranh. Luật Bản quyền đã quy định điều đó. Họ đã rất coi thường tôi khi coi chuyện ký hợp đồng với tôi cũng chẳng khác gì hợp đồng lái xe hay hợp đồng với người nấu cơm cho đoàn làm phim. * Nếu những yêu cầu của anh không được chấp nhận thì sao? - Tôi sẽ tiếp tục khởi kiện lên tòa án dân sự. * Anh có biết việc khởi và theo kiện là tốn kém thời gian lắm không? - Tôi biết. Tôi không háo danh như những người không hiểu rõ về vụ kiện cho là như thế. Nhưng tôi đòi hỏi sự công bằng. Ai làm gì nên được nhìn nhận đúng công sức. Phác thảo bối cảnh là những sáng tác tạo hình đầu tiên của bộ phim, không thể coi là chuyện nhỏ được. Nhất là với những phim lịch sử hoành tráng như thế. Phạm Ngọc |
Phạm Ngọc
Bình luận (0)