Xung quanh việc ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Việt Nam ra Trung tâm trọng tài quốc tế

19/05/2005 23:27 GMT+7

Từ năm 1990 đến 1996, ông Trịnh Vĩnh Bình - một doanh nhân Hà Lan gốc Việt đã bỏ vốn đầu tư vào Bà Rịa- Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, và sau đó đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kết án tù vì các hành vi vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai và đưa hối lộ, đồng thời bị tịch thu tài sản tại Việt Nam.

Theo nguồn tin của Báo Thanh Niên, vừa qua ông Trịnh Vĩnh Bình đã nộp đơn kiện phía Việt Nam ra một Trung tâm Trọng tài  quốc tế về giải quyết các tranh chấp về đầu tư đặt tại Stockholm (Thụy Điển). Theo đơn kiện, ông Bình yêu cầu phía Việt Nam phải bồi thường số tiền khoảng 100 triệu USD.  Được biết, phía Việt Nam đã được thông báo và sẽ có đại diện tham gia vụ kiện. Báo Thanh Niên phỏng vấn ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng thời là Thư ký của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam về diễn biến mới này:

* Thanh Niên: Xin ông cho biết cơ sở nào để một cá nhân, một nhà đầu tư có thể kiện một quốc gia ra trung tâm trọng tài quốc tế?

- Ông Trần Hữu Huỳnh: Theo tôi, khi có một tranh chấp mà nhà đầu tư cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm thì nhà đầu tư đó có thể kiện trực tiếp quốc gia tiếp nhận đầu tư theo luật của quốc gia đó. Nhà đầu tư có 2 sự lựa chọn: hoặc chọn trọng tài để phân xử, hoặc kiện ra tòa. Nếu chọn trọng tài thì cũng có 2 dạng trọng tài. Thứ nhất là trọng tài ad hoc, còn gọi là  trọng tài giải quyết vụ việc. Theo đó, các bên có thể  lựa chọn 3, thậm chí 5 trọng tài viên, có thể là người của nước tiếp nhận đầu tư hoặc của một nước thứ 3. Còn một dạng trọng tài thứ hai là các bên lựa chọn một tổ chức trọng tài đã có sẵn, hoạt động thường xuyên, có quy tắc tố tụng thường xuyên như Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chẳng hạn. Còn trong trường hợp không chọn trọng tài thì thường là đến  tòa án của nước mà bị đơn có trụ sở.

Trong trường hợp nhà đầu tư  muốn có các quy định để bảo vệ mình khỏi những chính sách bất hợp lý của nước chấp nhận đầu tư hoặc giữa các nước muốn có một quan hệ ở cấp cao hơn, có một khung pháp lý toàn diện thì  họ dựa vào các Hiệp định về bảo vệ và khuyến khích đầu tư.  Trong hiệp định sẽ có điều khoản cho phép nhà đầu tư kiện quốc gia đó, thông thường là ra trọng tài. Có một tổ chức trọng tài nằm bên cạnh World Bank gọi là Tổ chức Trọng tài giải quyết các tranh chấp về đầu tư nhưng với điều kiện, quốc gia bị kiện phải là nước đã tham gia công ước về tổ chức này. Hoặc là nhà đầu tư có thể lựa chọn một trọng tài quốc tế như dạng trọng tài ad hoc. Nhưng dù thế nào cũng phải có Hiệp định về bảo vệ và khuyến khích đầu tư. Trong vụ kiện này, tôi không biết có quy định cụ thể gì về quyền, lợi ích của các nhà đầu tư Hà Lan đầu tư vào Việt Nam

* Thanh niên: Theo ông, vì sao ông Trịnh Vĩnh Bình lại chọn thời điểm này để kiện mặc dù vụ việc này đã xảy ra khá lâu rồi?

- Thời hiệu khiếu kiện cũng có thể được quy định ngay trong Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư hoặc có thể quy định trong một luật áp dụng mà trong tương lai, khi xét xử, hai bên sẽ phải lựa chọn. Nhà đầu tư có thể lựa chọn thời điểm để khiếu kiện, kể cả thời điểm mang tính nhạy cảm. Trọng tài cũng có quy tắc về tố tụng và trình tự xử sẽ theo quy tắc này, không phụ thuộc vào bị đơn. Trường hợp bị đơn không tham gia cũng được dự tính.  Nhưng có một điều rõ ràng là anh không tham gia thì anh sẽ mất quyền tự bảo vệ. Đó là một nguyên tắc, ở các tòa án cũng thế, ở tổ chức trọng tài cũng thế.

* Thanh Niên: Nếu vụ này được trọng tài tiếp nhận và xét xử thì có chế tài nào để buộc thực hiện phán quyết của trọng tài?

- Họ sẽ có cơ chế để phán quyết trọng tài được thực thi như phong tỏa tài sản, vì tài sản của một quốc gia luôn có ở khắp mọi nơi. Luật pháp quốc tế là khá hoàn chỉnh và chặt chẽ. Ta tham gia một cam kết quốc tế nào đấy thì cũng phải theo những quy định về nghĩa vụ thực hiện. Và cơ chế để giải quyết, thực hiện các cam kết đó là rất rõ ràng. Khi đã ký vào các cam kết quốc tế thì các quy định trong cam kết phải được chuyển thành các quy định trong luật quốc gia. Các cơ quan, cán bộ nhà nước khi thực hiện các quy định cũng phải luôn chú ý đến những cam kết của quốc gia với các nước. Còn nếu vi phạm, hậu quả của nó nhiều khi rất to lớn.  Một số vụ việc kiện tụng mà Việt Nam gặp phải xảy ra mà phần thiệt về phía Việt Nam là rất đáng tiếc, chuyện này dù đúng hay sai, chúng ta cũng phải rút kinh nghiệm.

* Thanh niên: Nếu phía Việt Nam chứng minh được phán quyết của mình là hoàn toàn công minh, đúng theo pháp luật của Việt Nam?

- Chúng ta cũng phải xem lại những căn cứ, lập luận trong bản án mà Tòa án Việt Nam đã tuyên. Pháp luật dù là pháp luật ở đâu cũng là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những nhà đầu tư  làm ăn chân chính, đúng pháp luật. Không có luật pháp nước nào lại bảo vệ cho nhà đầu tư nào vi phạm pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư.

Mạnh Quân
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.