Cuối giờ chiều hôm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN đã phát đi công văn hỏa tốc, trong công văn nêu quá trình tổ chức thu bảo hiểm y tế (BHYT) HS-SV tại một số địa phương đã bộc lộ những vấn đề bất cập, tạo nên bức xúc trong dư luận...
Phụ huynh tần ngần trước những khoản thu đầu năm học - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Công văn yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương phối hợp với Sở GD-ĐT rà soát lại các văn bản, kịp thời điều chỉnh những nội dung hướng dẫn chưa đúng với quy định của luật BHYT...
Cũng trong hôm qua, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Chính sách BHYT, thuộc BHXH VN cho biết liên quan đến việc các địa phương đã thu gộp 15 tháng tiền BHYT của HS-SV (Báo Thanh Niên thông tin trên số báo ra ngày 18.9), lãnh đạo BHYT đã có chỉ đạo đối với những trường hợp khó khăn muốn nhận lại tiền BHXH sẽ tạo điều kiện.
“BHXH các tỉnh phải thực hiện đúng việc thu theo năm tài chính, năm 2015 chỉ được thu 3 tháng thôi, năm 2016 thu phân kỳ theo tình hình địa phương”, ông Sơn nói.
Ngoài xin ý kiến thay đổi thời gian thu linh hoạt, BHXH còn đề xuất cho phép gia đình có 2 HS-SV tham gia BHYT được giảm mức đóng như đối tượng tham gia theo hộ gia đình.
Trong ngày 18.9, nhiều phụ huynh, HS-SV tiếp tục phản ảnh với Báo Thanh Niên việc thu BHYT tại TP.HCM mỗi trường mỗi kiểu. Chẳng hạn HS đã mua BHYT theo hộ gia đình hoặc cha mẹ đã mua cho con rồi nhưng có trường vẫn bắt buộc phải mua thêm. Một phụ huynh có con học lớp 4 ở Q.1 cho hay giáo viên chủ nhiệm bắt buộc phải mua BHYT trong trường, không chấp nhận các loại bảo hiểm khác.
Một số SV của một trường ĐH ở TP.HCM cho biết do điều kiện khó khăn nên muốn chia thành 2 đợt đóng BHYT nhưng nhà trường không chấp nhận phương án này. Theo phản ảnh của SV, nhà trường nói quy định đóng BHYT 2 đợt (6 tháng và 9 tháng) của BHXH chỉ áp dụng cho HS chứ không áp dụng đối với SV.
Trả lời phóng viên Thanh Niên vào chiều 18.9, ông Nguyễn Văn Hoanh, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp BHXH TP.HCM, khẳng định: “Chúng tôi đã thông báo chấm dứt chuyện thu BHYT gộp 15 tháng đối với HS-SV tại TP.HCM và có hướng dẫn đến các trường thu BHYT theo 2 đợt đối với các đối tượng này. Đây là áp dụng chung cho tất cả HS-SV đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ bậc tiểu học đến ĐH ở TP.HCM chứ hoàn toàn không có chuyện chỉ áp dụng riêng cho HS”.
Về việc một số HS-SV đã tham gia BHYT khác nhưng trường vẫn bắt buộc mua BHYT ở trường, ông Hoanh nói: “Đối với những trường hợp HS-SV đã mua BHYT theo hộ gia đình; HS-SV có thẻ BHYT thuộc nhóm đối tượng: lưu HS; thân nhân quân đội nhân dân, công an nhân dân, cơ yếu; HS-SV thuộc hộ nghèo, cận nghèo… đã được cấp thẻ BHYT thì nhà trường phải lập danh sách riêng kèm theo bản sao thẻ BHYT còn giá trị. Những trường hợp này, nhà trường không được yêu cầu đóng BHYT nữa”.
Bình luận (0)