Từ xưởng nghề 3 không
Với một đội ngũ thợ trẻ gồm 30 thợ chính và 15 thợ học nghề, quy định xưởng nghề 3 không: không rượu - bia - thuốc lá của xưởng mộc u Lạc (xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) xem ra khá lạ và khó thực hiện. Anh Trần Thu, một trong 2 ông chủ trẻ của xưởng mộc u Lạc tâm sự: "Lúc đầu, những quy định nghiêm khắc của xưởng khiến anh em không thoải mái. Có người tỏ ý không tán thành. Về sau, khi đã tâm sự chân tình cặn kẽ sự cần thiết và bắt buộc về tác phong làm việc nghiêm túc mà cơ sở muốn hướng đến, mọi người đã hiểu ra và vui vẻ chấp hành".
Trong khuôn viên nhà xưởng với những tiếng đục, gõ đặc trưng của nghề mộc, anh Thu dẫn chúng tôi đi giới thiệu những tác phẩm đang còn dang dở. Ban đầu, cơ sở này mới chỉ dừng lại ở việc sản xuất bàn, ghế, tủ, những hàng gia dụng. Sau thời gian tầm sư học đạo, tìm hiểu thị trường cùng sự kết hợp với người bạn thời nối khố Nguyễn Viết Linh - lúc đó đang là giám đốc của một công ty tranh thêu nổi tiếng, đôi bạn đã có ý tưởng táo bạo, chuyển hẳn sang việc sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ mang tên u Lạc. Anh Thu kể rằng cả một năm trời, cơ sở chỉ đầu tư vào việc sản xuất ra hàng loạt các sản phẩm với mẫu mã khác nhau, phần lớn các tranh gỗ với nhiều kiểu dáng, phong cách, chủ đề rồi... để đó chứ không bán. Khi gom được số lượng ưng ý, hai ông chủ trẻ quyết định mở một cơ sở trưng bày tại Hội An, Quảng Nam để giới thiệu sản phẩm và phát triển thịnh vượng như ngày nay.
Hầu hết thợ trong xưởng đều là người trong xã xin vào học nghề rồi ở lại làm thợ. Trong đó, có những thanh niên do điều kiện môi trường sống không được giáo dục kỹ càng nên nghịch ngợm, bỏ học sớm, hai ông chủ trẻ cũng gọi về cho học nghề, làm thợ rồi uốn nắn dần dần. Có người trong số đó giờ là thợ giỏi của xưởng, đã có gia đình vợ con sung túc. Mức lương trung bình từ 800.000 - 1,5 triệu đồng/người của những người thợ của xưởng mộc này là điều mơ ước của nhiều thanh niên cùng làng.
Đến những cuộc họp phụ huynh ngoài nhà trường
Mới nghe qua thì có phần hơi ngược đời nhưng đó là chuyện thật hoàn toàn đã được thực hiện tại xưởng mộc An Lạc suốt 5 năm qua. Hỏi về nguyên nhân tại sao lại có ý tưởng khá thú vị này, anh Thu cho biết: "Để thợ làm việc hết mình, toàn tâm toàn ý với công việc thì điều quan trọng là tạo cho họ tâm lý thoải mái. Chuyện họp phụ huynh này, chúng tôi chỉ áp dụng với các thợ trẻ còn phụ thuộc cha mẹ, chưa có gia đình thôi. Bởi có những điều thắc mắc, kiến nghị mà các em vì ngại không nói trực tiếp với chúng tôi thì chúng tôi sẽ tiếp nhận điều đó qua các phụ huynh. Giữa phụ huynh và chúng tôi phải liên kết, thông suốt với nhau".
Những cuộc họp phụ huynh định kỳ một năm 2 lần ấy diễn ra rất đơn sơ nhưng ấm cúng. Đã có hơn 10 cuộc họp phụ huynh như thế, không có ai vắng mặt bởi họ biết, điều đó đem lại quyền lợi cho con em mình.
Khoảng 3 tháng một lần, cơ sở mộc u Lạc lại tổ chức bình bầu thành viên ưu tú. Theo đó, những thợ giỏi được tập thể bình bầu sẽ được xem là thợ VIP, được hưởng mọi ưu đãi về thời gian, lương, thưởng, tự do hơn so với các thợ bình thường. Tính đến thời điểm hiện nay, con số VIP ở có 8 người.
Triết lý "dòng sông Cái"
Chỉ chưa đầy 7 năm, cơ sở đã thu về cho mình hàng chục giải thưởng, từ 4 giải thưởng Tinh hoa Festival Huế 2004, 2 giải thưởng sáng tạo kiểu dáng sản phẩm 2004 "Golden - V" cho đến giải 3 Hội chợ làng nghề và thi sản phẩm thủ công Việt Nam 2005, giải nhì tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nghệ thuật khu vực miền Trung Tây Nguyên năm 2006...
Để có được sự thành công hôm nay, sau một hồi trò chuyện cởi mở, hai ông chủ trẻ của mộc u Lạc mới vui vẻ bật mí: "Đơn giản thôi! Chúng tôi thường tâm sự với các thợ và học trò về hình ảnh dòng sông cái và dòng sông con. Khi dòng sông cái đầy nước thì các dòng sông con của nó cũng sẽ đầy nước". Đó là cách điều quân, khiển tướng khá thuyết phục mà hai ông chủ trẻ Thu - Linh đã, đang áp dụng...
Vũ Phương Thảo
Bình luận (0)