Xuyên đêm cứu hộ Rào Trăng 3

14/10/2020 04:39 GMT+7

Công tác cứu hộ cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 vẫn đang được tập trung cao độ.

* 30 công nhân, cán bộ chiến sĩ mất tích sau 2 vụ sạt lở
* Phó tư lệnh Quân khu 4 nằm trong danh sách những người gặp nạn

Đêm 13.10, mặc dù mưa lớn, nhưng các phương tiện và hàng trăm người thuộc các lực lượng của quân đội, công an, y tế... vẫn tập trung cao độ cho công tác cứu hộ cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3.
Xuyên đêm cứu hộ Rào Trăng 3

Các lực lượng đang triển khai công tác cứu nạn tìm đường vào tiếp cận vị trí để giải cứu

ẢNH: THANH NIÊN

Gặp nạn trên đường đi ứng cứu

Chiều ngày 13.10, thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), xác nhận về sự cố Nhà máy thủy điện (TĐ) Rào Trăng 3, tại xã Phong Xuân, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Theo đó, lúc 12 giờ ngày 12.10, một người dân điện thoại trực tiếp cho ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, thông báo lúc 12 giờ ngày 11.10 đã xảy ra vụ sạt lở núi, vùi lấp nhà điều hành TĐ Rào Trăng 3. Nhận được thông tin, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức đoàn công tác 21 người đến hiện trường để kiểm tra, tìm phương án ứng cứu.

Sạt lở thủy điện ở Thừa Thiên-Huế: 13 người mất tích, 5 người đang được cấp cứu

TĐ Rào Trăng 3 nằm ở thượng nguồn sông Bồ đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt năm 2008, được Bộ Công thương điều chỉnh Quy hoạch thủy điện nhỏ năm 2016. Theo đó TĐ này có công suất 13 MW, khi hoàn thành sản xuất lượng điện trung bình hằng năm 44,343 triệu kWh. Chủ đầu tư TĐ này là Công ty CP TĐ Rào Trăng 3, đóng tại P.An Đông, TP.Huế; thi công bởi Công ty CP Thành Đạt (cùng P.An Đông).
Cùng với TĐ A Lin B1, B2 từ sông A Lin (H.A Lưới), TĐ Rào Trăng 3, 4 tạo thành hệ thống như “TĐ bậc thang” công suất nhỏ trên hệ thống thượng nguồn sông Bồ. Giữa TĐ Rào Trăng 3 và 4 cách nhau khoảng hơn 10 km.
Lúc 14 giờ ngày 12.10, đoàn xuất phát từ cơ quan Huyện ủy Phong Điền đi TĐ Rào Trăng 3, đến 16 giờ cùng ngày đến ngầm tràn 71 nhưng ô tô không qua được. Sau đó, đoàn để lại ô tô đi bộ vào TĐ Rào Trăng 3 khoảng 13 km. Đến 21 giờ cùng ngày, đoàn đến tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm Sông Bồ. Lúc 22 giờ ngày 12.10, đoàn dừng nghỉ tại nhà kiểm lâm, dãy nhà gồm 4 gian trong đó có 3 gian nghỉ và 1 gian bếp.
Đến 0 giờ ngày 13.10, khu vực đoàn cứu hộ cứu nạn dừng nghỉ có tiếng nổ lớn, sụt toàn bộ núi, đất đá trùm lên tòa nhà đoàn đang nghỉ khiến 13 người mất tích (11 cán bộ quân đội và 2 cán bộ địa phương), 8 người khác thoát được ra ngoài. Trong số những người mất tích có thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4.
Xuyên đêm cứu hộ Rào Trăng 3

Lực lượng cứu nạn cứu hộ tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 4 giữa mênh mông nước lũ

Ảnh: T.H

Nỗ lực tìm kiếm người bị nạn

Ngay trong ngày, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 4 phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thiết lập sở chỉ huy cứu hộ, cứu nạn tại xã Phong Xuân, H.Phong Điền; điều động lực lượng, phương tiện tổ chức khắc phục sạt lở, thông đường đến khu vực người mất tích và TĐ Rào Trăng 3. Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chủ trì, phối hợp với các lực lượng tại chỗ tổ chức tìm kiếm cứu nạn người mất tích tại 2 khu vực nhà Kiểm lâm và TĐ Rào Trăng 3.

40 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 đã thoát nạn vụ sạt lở bằng cách nào?

Thủ tướng yêu cầu tập trung cứu nạn

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng (giữa) kiểm tra, chỉ đạo công tác cứu nạn cứu hộ tại xã Phong Xuân, H.Phong Điền

Ảnh: T.Đ

Trước sự cố thiên tai nghiêm trọng ở khu vực Rào Trăng 3, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực Trạm kiểm lâm và TĐ Rào Trăng 3. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Tư lệnh Quân khu 4 khẩn trương tập trung chỉ đạo các lực lượng, phương tiện cần thiết, phù hợp để tổ chức tìm kiếm, cứu nạn kịp thời các nạn nhân bị vùi lấp; lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện và khẩn trương khắc phục sự cố. Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi, kể cả các công trình đang thi công, có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người, tài sản nhà nước và nhân dân trên địa bàn.
Chiều 13.10, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã đến xã Phong Xuân để kiểm tra, nắm tình hình. Phó thủ tướng đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo Quân khu 4, tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng ban ngành liên quan, qua đó có những chỉ đạo quan trọng về công tác cứu nạn cứu hộ.
Chiều 13.10, thông qua sóng vô tuyến điện, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng Đài duyên hải Huế đã kết nối được với đại diện Nhà máy TĐ Rào Trăng 4. Qua đó, văn phòng nắm được thông tin có 40 công nhân, trong đó có 3 chuyên gia Ấn Độ từ công trường TĐ Rào Trăng 3 băng rừng tìm về Rào Trăng 4 an toàn sau khi gặp nạn sạt lở đất, mất liên lạc hoàn toàn với bên ngoài.
Trong nhóm những công nhân gặp nạn này có thể đã có người gọi điện cấp báo cho thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, nhưng thông tin không trọn vẹn do mất sóng điện thoại. Qua kết nối, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh biết được công nhân tại Nhà máy TĐ Rào Trăng 4 đều an toàn, nhưng bị cô lập, lương thực chỉ còn dùng đủ một ngày. Rất may chiều cùng ngày lực lượng cứu nạn cứu hộ đã tiếp cận được TĐ Rào Trăng 4 bằng đường thủy như kể trên và đã cung cấp nhu yếu phẩm mang theo cho các chuyên gia, công nhân tại đây.
Xuyên đêm cứu hộ Rào Trăng 3

Người thân công nhân Thủy điện Rào Trăng 3 tìm đến Phong Xuân để nắm thông tin sau khi mất liên lạc với người thân

Ảnh: Đ.TOÀN

Trong khi đó, theo thông tin từ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, chiều 13.10, lực lượng công an phối hợp với một số lực lượng khác đã tìm cách tiếp cận được hiện trường TĐ Rào Trăng 4 (xã Phong Xuân, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế); đưa 5 công nhân đang xây dựng công trình thủy điện bị thương do sạt lở đất ra bên ngoài cấp cứu, chữa trị tại Bệnh viện đa khoa Bình Điền. Đây là 5 công nhân trong số hàng chục công nhân của TĐ Rào Trăng 3 gặp nạn do sạt lở đất đã tìm cách đi từ TĐ Rào Trăng 3 về Rào Trăng 4 bằng đường rừng (thủy điện dạng bậc thang). Đáng chú ý, do đường 71 dẫn vào TĐ Rào Trăng 3 và 4 bị sạt lở, vùi lấp nặng, nên lực lượng cứu nạn cứu hộ đã dùng ca nô đi theo đường thủy khu vực TĐ Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ trong hoàn cảnh nước lũ lớn, chảy xiết.
Xuyên đêm cứu hộ Rào Trăng 3

Khu vực Trạm QLBVR 67, nơi 13 cán bộ chiến sĩ gặp nạn, ngổn ngang đất đá (ảnh chụp lúc 14 giờ ngày 13.10)

ảnh: THANH NIÊN

Đến hiện tại, cơ quan chức năng tạm thời xác định tổng cộng 30 người mất tích gồm 17 công nhân của TĐ Rào Trăng 3 và 13 cán bộ chiến sĩ bị nạn khi trên đường đi ứng cứu.
Đêm 13.10, mặc dù mưa lớn, việc tiếp cận hiện trường cực kỳ khó khăn nhưng công tác tìm kiếm người gặp nạn vẫn diễn ra cấp tập với hy vọng giảm thiểu thiệt hại thấp nhất.

Các lực lượng đang triển khai công tác cứu nạn tìm đường vào tiếp cận vị trí để giải cứu

ẢNH: THANH NIÊN

Sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Mất liên lạc với 30 người

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.