Y bác sĩ gốc Á trước nỗi lo bị kỳ thị ở Mỹ

04/10/2020 10:00 GMT+7

Cộng đồng y bác sĩ Mỹ gốc Á nói chung và gốc Việt tại Mỹ nói riêng phải đối mặt tình trạng bị kỳ thị chủng tộc và áp lực công việc gia tăng trong đại dịch Covid-19 .

“Những người gốc Á đại diện 6% dân số Mỹ và 18% bác sĩ, 10% điều dưỡng trên toàn quốc. Thật đau lòng khi ngày càng có nhiều vụ phân biệt đối xử chống lại nhân viên y tế gốc Á”, bác sĩ Lan Chi Vo, đại diện của Hội đồng Các bác sĩ khoa tâm thần người Mỹ gốc Á thuộc Hiệp hội Tâm thần học Mỹ (APA), viết trong bài bình luận trên trang Philly Voice.
Y bác sĩ gốc Á trước nỗi lo bị kỳ thị ở Mỹ

Cô Hien Tran, điều dưỡng tại Bệnh viện Memorial Health ở TP.Lufkin (bang Texas, Mỹ)

Ảnh: NVCC

“Bác sĩ đến từ đâu?”

Trong khi các nhân viên y tế gốc Á mạo hiểm sức khỏe của mình trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, một số bệnh nhân mang tư tưởng kỳ thị hỏi: “Bác sĩ đến từ đâu?”. “Một số bệnh nhân còn yêu cầu bệnh viện phải đảm bảo nhân viên y tế chăm sóc cho họ không phải người gốc Á hoặc Trung Quốc”, bác sĩ Lan Chi Vo cho hay.
Gần đây, APA cùng với gần 50 tổ chức khoa học khác gửi thư chung lên quốc hội Mỹ, lên án tình trạng phân biệt chủng tộc và đề nghị tăng cường hỗ trợ các y bác sĩ gốc Á. Bên cạnh đó, giới nghị sĩ ở Hạ viện và Thượng viện đã đưa ra các nghị quyết nhằm lên án tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại cộng đồng người gốc Á. Nghị quyết 908 và 580 gần đây kêu gọi cơ quan thực thi pháp luật điều tra và theo dõi tất cả báo cáo đáng tin cậy về tội ác vì thù ghét và mối đe dọa chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Làn sóng kỳ thị người gốc Á gia tăng kể từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nước Mỹ. Hồi giữa tháng 3, một thanh niên 19 tuổi dùng dao đâm một gia đình người Mỹ gốc Myanmar, bao gồm hai đứa trẻ 2 tuổi và 6 tuổi, tại một nhà hàng ở bang Texas vì cho rằng họ là người Trung Quốc và lây nhiễm vi rút gây Covid-19 cho mọi người.
Báo cáo của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) xem vụ tấn công này là tội ác vì thù ghét và cảnh báo tình trạng gia tăng những vụ tấn công chống lại người gốc Á, bao gồm người gốc Việt. Hơn 1.900 vụ tấn công, nhục mạ người châu Á được trình báo trên trang theo dõi trực tuyến Stop AAPI Hate thuộc các tổ chức bảo vệ quyền lợi người Mỹ gốc Á. Những vụ hành hung thân thể và vi phạm quyền công dân, chẳng hạn như phân biệt đối xử tại nơi làm việc, lần lượt chiếm 8,1% và 8,8% tổng số vụ. Những người cao tuổi dễ bị tổn thương nhất, chiếm 7,8%, theo Stop AAPI Hate.

Áp lực công việc mùa dịch

Các điều dưỡng Mỹ gốc Việt chịu nhiều áp lực trong đại dịch, phải chăm sóc cho bệnh nhân chuyên khoa lẫn Covid-19.
Trả lời Thanh Niên, nam điều dưỡng Jason Nguyen tại khoa nội và ung bướu của một bệnh viện ở bang Montana cho biết: “Bệnh viện đang thiếu điều dưỡng do số bệnh nhân tăng đột biến. Không như các cơ sở y tế khác, chúng tôi không chỉ tập trung cho bệnh nhân Covid-19 mà vẫn phải điều trị các bệnh nhân khác”. Do đó, anh Nguyen vừa làm việc tại khoa và kiêm thêm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
“Tôi có nắm thông tin nhưng may mắn là chưa chứng kiến trường hợp bệnh nhân kỳ thị y bác sĩ gốc Á nào”, anh Nguyen nói. Tương tự, cô Hien Tran, điều dưỡng tại Bệnh viện Memorial Health ở TP.Lufkin (bang Texas) cho Thanh Niên biết: “Tôi cũng chưa đối mặt hay chứng kiến trường hợp bị kỳ thị vì tưởng nhầm là người Trung Quốc, nhưng cảm thấy bất bình trước tình trạng này ở những nơi khác”.
Cô Tran được điều sang làm việc cho phòng cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 kể từ tháng 3. “Cũng có thể là khi vào phòng, các điều dưỡng như tôi phải đeo khẩu trang N95 và quần áo bảo hộ trùm kín toàn thân nên bệnh nhân cũng khó biết tôi là người gốc Á hay ở đâu”, cô Tran nói. Điều dưỡng gốc Việt này cũng gọi vấn đề phân biệt chủng tộc ở Mỹ giống như “chuyện ngàn lẻ một đêm” mãi chưa có hồi kết.
Chia sẻ về công việc trong đại dịch Covid-19, cô Tran cho hay ban đầu cô rất căng thẳng và lo lắng cho gia đình với hai con nhỏ (1 tuổi và 3 tuổi). “Dù bệnh viện cung cấp đầy đủ đồ bảo hộ nhưng tôi lo ngại mắc Covid-19 và lây nhiễm cho các con”, cô Tran chia sẻ.
Không chỉ căng thẳng trong công việc, cô Tran cùng các y bác sĩ khác còn phải chứng kiến những bệnh nhân Covid-19 qua đời. “Một số bệnh nhân Covid-19 mất khi còn quá trẻ, bệnh nhân trẻ nhất của tôi tử vong khi mới 26 tuổi”, cô Tran nói.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.