Ý đồ đầu tư độc chiếm cảng biển của Trung Quốc

30/01/2021 15:34 GMT+7

Chính phủ Sri Lanka vừa hồi sinh dự án cảng với Ấn Độ-Nhật Bản trong bối cảnh các cảng chiến lược của nước này rơi vào tay Trung Quốc vì không thể trả khoản vay cho Bắc Kinh.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa mới đây cho biết “mối quan ngại về địa chính trị trong khu vực” là yếu tố chính thúc đẩy chính phủ quyết định hồi sinh dự án đầu tư của Ấn Độ-Nhật Bản nhằm phát triển Cảng Container Nước sâu (ECT) ở thủ đô Colombo.
Thỏa thuận 3 bên Nhật Bản-Ấn Độ-Sri Lanka về xây dựng ECT đã được ký hồi tháng 5.2019 nhưng bị trì hoãn dưới thời chính phủ tổng thống Maithripala Sirisena, theo tờ Times of India.
ECT có vị trị nằm cạnh Bến cảng Container Quốc tế Colombo (trị giá 500 triệu USD) với 85% quyền sở hữu thuộc về Trung Quốc. Chính phủ Sri Lanka bật đèn xanh cho dự án ECT ngay sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, S. Jaishankar đến thủ đô Colombo trong chuyến thăm chính thức vào ngày 5.1.
Trong khuôn khổ dự án, chính phủ Sri Lanka nắm quyền sở hữu 51% ECT, trong khi 49% còn lại là khoản đầu tư của Ấn Độ và Nhật Bản. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ Sri Lanka phát triển Cảng Container Jaya tại Colombo với khoản vay ưu đãi 40 năm, lãi suất 0,1% thông qua chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA).
Tiến sĩ Monika Chansoria, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản (JIIA) cho rằng việc Sri Lanka trì hoãn dự án ECT trước đây là vì chính quyền dưới thời tổng thống Sirisena không muốn “chọc giận” Trung Quốc, theo trang Japan-Forward.com.
“Một phần nữa là Nhật Bản và Ấn Độ nằm trong nhóm quân sự chiến lược phi chính thức “Bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc). Bộ tứ kim cương đang ngày càng thắt chặt quan hệ và tăng cường hợp tác trên biển để hợp lực đối phó Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, theo bà Chansoria.
Hồi năm 2017, chính phủ Sri Lanka đã phải ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm để trả nợ. Cơ sở này được xây bằng vốn vay 1 tỉ USD từ chính chủ nợ.
“Trung Quốc dễ dàng cấp các khoản vay khổng lồ với điều kiện mập mờ cho các quốc gia ven biển nằm trong vị trí chiến lược và cần vốn phát triển cơ sở hạ tầng. Nếu các nước không thể trả được khoản vay, Bắc Kinh sẽ đưa ra “đề nghị” giãn nợ hoặc đổi lấy quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng như cảng biển, từ đó hướng đến lập căn cứ hải quân và mở rộng hiện diện quân sự”, theo tiến sĩ Chansoria.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.