Ý nghĩa lớn nhất là thay đổi tương quan lực lượng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
18/01/2023 07:17 GMT+7

Sau Hiệp định Paris, chính quyền Sài Gòn yếu đi trông thấy trong tương quan lực lượng so với miền Bắc.

Quân Mỹ rút ra, quân ta ở lại

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cho biết ông Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Đảng Lao động Việt Nam, đánh giá ý nghĩa lớn nhất của Hiệp định Paris là quân Mỹ sẽ rút ra, quân ta thì ở lại. “Trong suốt thời kỳ đàm phán, hai bên đấu nhau là quân đội nước ngoài phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Mình đòi Mỹ là quân xâm lược, Mỹ phải rút. Họ cũng lập luận, Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia, VNDCCH cho quân vào xâm lược thì cũng phải rút”, ông Hà phân tích.

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, chúng ta luôn khẳng định nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một chứ không có chuyện đi xâm lược. Chỉ có Mỹ mới là kẻ xâm lược. “Chúng ta cũng chỉ ra, Mỹ cùng chính quyền Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Geneva, biến giới tuyến quân sự tạm thời vĩ tuyến 17 thành biên giới quốc gia, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam. Đất nước Việt Nam là một thì người Việt Nam thấy bất cứ kẻ xâm lược ở đâu đều đến mà đánh, tiêu diệt, đuổi đi. Mỹ đuối lý, không đòi chúng ta rút khỏi miền Nam nữa”, ông Hà nói.

Tại New York, nhân dân Mỹ đấu tranh chống chính phủ Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, làm hao người, tốn của và bôi nhọ thanh danh nước Mỹ

Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Ưu thế lực lượng nghiêng hẳn về phía ta

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết tại điều 5 Hiệp định Paris ghi rõ: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ khi hiệp định có hiệu lực, quân Mỹ, các quân đồng minh của Mỹ và toàn bộ vũ khí trang bị phải rút hết khỏi miền Nam Việt Nam”. Trong khi đó, bộ đội miền Bắc ta vẫn ở lại. Điều này tạo ra so sánh mới về tương quan lực lượng ở miền Nam.

Ông Hà phân tích: Khi còn 50 vạn quân, Mỹ đã không làm gì được thì khi Mỹ rút ra hoàn toàn, so sánh lực lượng sẽ khác hẳn. “Đó là ý nghĩa lớn nhất. Thêm vào đó, khi Mỹ rút, quốc hội Mỹ lại có lý do không viện trợ cho chính quyền Sài Gòn nữa. Trước đây, chủ yếu Mỹ viện trợ chính quyền Sài Gòn, khi họ rút đi, viện trợ bị cắt giảm đến 3/4, quân đội Nguyễn Văn Thiệu phải đánh kiểu con nhà nghèo, không có vũ khí. So sánh lực lượng nghiêng hẳn về chúng ta”.

Lý giải cho vấn đề khi ta mở cuộc tổng tấn công giành thắng lợi nhanh chóng, ông Hà cho rằng vì quân đội Sài Gòn mất hẳn chỗ dựa là quân Mỹ. “Cho nên quân đội Sài Gòn, chế độ Sài Gòn sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian thôi”, ông Hà nói.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội), đánh giá Hiệp định Paris cũng phản ánh được những thắng lợi to lớn, toàn diện của nhân dân Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có nhiều thuận lợi xen lẫn những phức tạp, nhất là việc Mỹ lợi dụng mâu thuẫn Xô - Trung để gây sức ép và hạn chế sự giúp đỡ của hai quốc gia này đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Trụ sở phái đoàn VNDCCH dự Hội nghị Paris

Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, tài liệu ảnh đại tá, Đại sứ Hà Văn Lâu

Với đường lối đối ngoại độc lập và linh hoạt, Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, các nước không liên kết và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Cũng theo ông Nhật, Hiệp định Paris và việc Mỹ rút khỏi Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào, buộc Mỹ chấm dứt dính líu quân sự, đưa đến việc ký kết Hiệp định về việc lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào ngày 21.2.1973, tạo điều kiện cho việc giải phóng hoàn toàn nước Lào vào năm 1975. Đối với Campuchia, Mỹ chấm dứt ném bom, đánh phá, mở đường và tạo cơ hội thuận lợi cho nhân dân Campuchia giành thắng lợi hoàn toàn vào tháng 4.1975.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.