Xin mạn phép mở đầu bài viết bằng chuyện đặt tên của chính tác giả. Tôi là Hoài Nhân, tạm dịch là “nhớ người”, nghe cũng bay bổng phù hợp với một người làm nghề viết lắm chứ. Năm lớp 7 là lần đầu tôi tự lý giải tên mình, tự hiểu nôm na “hoài” là “nhớ”, còn “nhân” là “người”. Nhưng tôi lại thắc mắc sao lại là nhớ người?
Ba tôi kể: “Ngày xưa còn khổ, ba lo vườn tược một mình không xuể, mẹ lại bị thai yếu nên dọn đồ về ngoại ở tới ngày chuyển dạ cho chắc. Nhà ngoại bây xa lắc, bởi vậy đâu có được gần mẹ đâu, ba nhớ. Khai sinh đặt Hoài Nhân, nhớ là nhớ mẹ bây chứ nhớ ai bả quánh chết”. Từ đó, tôi mới biết cái tên mình cũng "ly kỳ” như vậy!
Còn bạn? Chắc hẳn cũng từng một lần trong đời đột nhiên tự thắc mắc về cái tên của mình – thứ sẽ theo một con người từ lúc sinh ra cho đến lúc khắc lên bia mộ đến mãi mãi sau này.
|
Trừ những sự bất hạnh thay đổi số phận một con người từ lúc lọt lòng (mồ côi, bị bỏ rơi,…) thì tên sẽ do ông bà, cha mẹ… đặt nên. Hàm nghĩa cái tên, có khi là sự kỳ vọng, mong ước về những điều tốt đẹp như Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Bình, Yên,… Hoặc có khi đơn giản, chỉ là để phân biệt giữa các thành viên trong gia đình!
Thời xưa, mỗi nhà sinh gần chục đứa con thì việc đặt lần lượt Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Thị Ba, hay Trần Văn Ổi, Nguyễn Thị Cam... thật dễ dàng để nhớ!
Kỳ vọng những điều tốt đẹp
Số lượng từ Hán Việt khổng lồ trong kho tàng ngôn ngữ đã ảnh hưởng lớn đến cách đặt tên của người Việt. Chẳng hạn Nguyễn Thị Mỹ thay vì Nguyễn Thị Đẹp, hay Bùi Tuấn Kiệt thay vì Bùi Tài Trí, Bùi Giỏi Giang.
Theo nghiên cứu của PGS.TS Lê Trung Hoa (cựu giảng viên Khoa Văn học & Ngôn ngữ, trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG TP.HCM), trước Cách mạng tháng Tám 1945, khi Hán học còn thịnh, có cả cách đặt tên con cùng một bộ chữ Hán với cha. Theo đó, nếu cha tên Quỳnh, con sẽ tên Dao, Khuê (cùng bộ Ngọc). Cha tên Giang, con sẽ tên Hà, Dương (cùng bộ Thủy). Về sau thì cách này gần như không còn, có chăng chỉ là trùng hợp.
Ngoài ra, quan điểm “con hơn cha là nhà có phúc” cũng được áp vào chuyện đặt tên. Vì thế mà cha sẽ tìm tiếng đứng trước tiếng đồng âm với tên mình trong một từ ghép để đặt tên con. Ví dụ cha tên Tài sẽ đặt con tên nhân, để thành Nhân Tài.
|
Trong 13 cách đặt tên được PGS.TS này thống kê trong quyển “Nhân danh học” của mình, có một cách là lấy các từ ngữ, thành ngữ thể hiện ước vọng tốt đẹp. Đây có thể xem là cách phổ biến nhất xưa nay. Bạn hãy thử để ý người thân ở nhà nội, nhà ngoại mình, chắc chắn sẽ có anh chị em, cô dì chú bác nào đó được đặt tên theo cách này.
Đặt theo tiêu chuẩn lý tưởng chung sẽ có Chân, Thiện, Mỹ. Riêng con trai, sẽ có những cái tên theo phẩm hạnh Trung, Hiếu, Hùng, Dũng. Con gái sẽ là Ngoan, Thảo, Hiền Hậu. Nếu cha mẹ muốn con không bệnh tật sẽ đặt Cường, Tráng, Khỏe. Ba mẹ nghèo muốn đời con phải giàu thì đặt là Vàng, Bạc, Châu, Báu, Phú Quý, Vinh Hoa. Ngoài ra còn có cách đặt “tam đa” Phúc, Lộc, Thọ, có trường hợp kéo dài ba đời ông nội (tên Phúc), cha (tên Lộc), con (tên Thọ).
PGS.TS Lê Trung Hoa cũng đưa ra ví dụ cụ thể về tên Vụ Bản. Nếu bạn có tên này, là do cha mẹ đã lấy trong quyển Luận ngữ (câu “Quân tử vụ bản”). Nếu bạn tên Chính Tâm, đó là lấy trong quyển Đại học (câu “Dục tu kỳ thân đã, tiên chính kỳ tâm”). Cả hai quyển đều thuộc Tứ thư kinh điển và 2 cái tên đều là những từ ngữ tốt đẹp trong đó mà ra.
Tên con cùng âm đầu, cùng vần tên ba mẹ
Tôi có một gia đình cậu em họ. Mẹ cậu này sinh đến 5 con gần tuổi nhau, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi. Bữa nhà tôi có dịp qua ăn cơm, thấy mẹ cậu dọn cơm xong thì gọi: “Thằng Lâm kêu thằng Long, thằng Liêu, con Linh, con Lan xuống ăn cơm, khách đợi”. Tôi không khỏi phì cười. Kêu nhanh khéo lại lẹo lưỡi! Mẹ cậu giải thích: “Có khách kêu vậy cho vui, chứ bình thường gọi chung là “đám “L” xuống ăn cơm” cho lẹ. Tại ổng tên Lê, cô tên Loan nên đặt vậy cho vần luôn”.
Đó cũng là cách đặt tên theo phát âm được xếp đầu tiên trong thống kê: đặt tên có liên hệ đến họ tên cha, mẹ, anh, chị. Theo đó, rất phổ biến kiểu tên con cùng âm đầu hoặc cùng vần với cha, mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ. Cha tên Thành, đặt con tên Thương, Thông, Thái. Mẹ tên Duyên đặt con tên Uyên, Thiên, Liên. Thậm chí tên con còn cùng âm đầu với họ và tên đệm như cha, chẳng hạn cha là Bùi Bá Bách đặt con Bùi Bá Bửu. Cũng có thể, tên con là sự kết giữa họ cha và họ mẹ, như cha tên Phạm Hùng, mẹ là Lê Hân và bạn sẽ là Phạm Lê Hải.
Liên quan đến tên anh, chị, chúng ta cũng thấy rất nhiều chị em tên Như Quỳnh - Quỳnh Như hay anh em tên Bảo Trọng - Trọng Bảo. Đó là theo cách đảo từ. Còn một cách khác là liên tưởng cho ra từ ghép. Ví dụ anh tên Thanh, em tên Bình. Nhưng không biết do sơ ý hay gì đó, một người bạn cấp ba của tôi có tên là Nghĩa, trong khi chị cậu ấy lại tên Trang. Dù ghép thứ tự chị - em là Trang - Nghĩa, nhưng quả thật nghe cũng không sáng sủa lắm…
Ngoài ra, còn những cách đặt tên mà bạn sẽ khó tự “ngộ” ra nếu không được ba mẹ nói chủ đích! Chẳng hạn như lấy một phần tên chính của ba mẹ làm tên con. Ví dụ cha là Trần Hoàng Thông Thái, mẹ là Nguyễn Ngọc Bích, sẽ đặt con là Trần Thái Ngọc. Nếu thích nói lái, cha mẹ còn có thể từ tên Định (cha), Mai (mẹ) mà đặt con là Đại Minh.
Bình luận (0)