Kiêm nhiệm là chủ yếu
Mỗi ngày, phòng y tế trường THCS Lê Lợi, Q.3 tiếp nhận gần 30 lượt học sinh đến xin thuốc, khám bệnh. Phụ trách phòng y tế là một dược tá tốt nghiệp Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM - chị Vũ Nguyễn Xuân Mai Trinh. Mỗi tuần chị Trinh được nghỉ 2 buổi, thay cho chị là một nhân viên phụ trách thư viện kiêm nhiệm.
Vừa dán băng gạc cho một học sinh bị trầy chân, chị Trinh tâm sự: “Công việc ở phòng y tế nhìn thì thấy không nặng nhọc nhưng áp lực rất cao. Hễ đau đầu, đau bụng hay thậm chí chỉ trầy xước nhẹ các em cũng tìm đến. Học trò càng ít tuổi, càng vào phòng y tế nhiều do các em hiếu động, nghịch ngợm”. Với công việc cần mẫn từ sáng đến chiều tối, chị Trinh được nhận 1,3 triệu đồng/tháng. Bà Phạm Thị Phương Liên - Hiệu phó nhà trường cho rằng rất khó để giữ chân được nhân viên lâu bởi nếu làm việc cho nhà thuốc tây, một dược tá có thể nhận được mức lương từ 2 triệu đồng/tháng trở lên.
Không giống với phòng y tế của trường THCS Lê Lợi mở cửa từ 6 giờ 30 sáng đến 17 giờ 30 chiều và lúc nào cũng có người trực, cửa phòng y tế của trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.4 lắm hôm lại phải cài then đóng chốt. Phụ trách phòng y tế của trường năm học này là một nhân viên thủ quỹ kiêm nhiệm luôn mảng YTHĐ, với 20 lớp bán trú và 700 học sinh độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi có mặt 8 tiếng mỗi ngày ở trường. Do công việc chính là thủ quỹ nên chị lúc nào cũng phải có mặt tại văn phòng của trường, tất nhiên hộp thuốc và các vật dụng sơ cấp cứu thường có trong phòng y tế cũng được dời đến văn phòng.
Có biên chế mà không đủ điều kiện hưởng
“Bố trí cán bộ chuyên trách YTHĐ thì chịu, nhà trường không tìm đâu ra tiền để trả lương. Vả lại một người có trình độ y tá, trả lương 1 triệu đồng thì ai mà làm”. Bà Trần Thị Lan - Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.4, TP.HCM |
Bà Phương Liên - Hiệu phó trường THCS Lê Lợi cho rằng: “Tìm được một dược tá trẻ, có tâm huyết với nghề có lòng yêu trẻ như cô Trinh là rất khó. Tuy không đủ tiêu chuẩn để vào biên chế nhưng nhà trường hết lòng tạo điều kiện cho cô làm việc và được hưởng mọi quyền lợi như những cán bộ biên chế khác”. Chính vì quy định trên mà hiện nay gần 60% trường học và 11 phòng giáo dục các quận huyện tại TP.HCM không có cán bộ chuyên trách YTHĐ. 43,2% cán bộ chuyên trách YTHĐ chỉ có trình độ sơ cấp, số còn lại chỉ kiêm nhiệm với các khóa tập huấn hằng năm. Các quận nội thành như Q.1 cũng chỉ có 67,2% trường có phòng y tế, trong đó chỉ có 51,7% cán bộ YTHĐ có chuyên môn, Q.3 có 60,7% trường có phòng y tế và 77% cán bộ YTHĐ có chuyên môn. Riêng huyện Nhà Bè chỉ có 3,6% trường có phòng y tế, trong đó 54% cán bộ YTHĐ có chuyên môn.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu thốn của các phòng y tế là kinh phí. Theo quy định, kinh phí YTHĐ trích từ ngân sách nhà nước chỉ có 10 ngàn đồng/học sinh/năm. Nếu những trường có số học sinh mua bảo hiểm y tế nhiều sẽ có thêm khoản tiền do bảo hiểm y tế trích lại để mua thuốc và trang bị phòng y tế và trả lương cho cán bộ YTHĐ. Tuy nhiên, với tình trạng giá thuốc và các thiết bị y tế mỗi năm mỗi lên giá thì cũng khó cho các trường trong hoạt động YTHĐ.
Trước thực trạng trên, bà Lê Thị Hồng Liên - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết Sở GD-ĐT đã từng kiến nghị UBND thành phố về việc mở lớp đào tạo cán bộ YTHĐ để cung cấp nhân sự cho các trường. Việc đào tạo ngành học này cũng sẽ góp phần đưa các cán bộ YTHĐ vào chuẩn quy định và sẽ được cấp biên chế, tạo điều kiện cho họ được yên tâm công tác.
Tuy nhiên, đến nay Sở GD-ĐT vẫn phải chờ duyệt và công tác YTHĐ tại các trường vẫn... y như cũ.
Phi Loan
Bình luận (0)