Ý: Tranh cãi cay gắt về “quyền được chết”

10/02/2009 11:41 GMT+7

(TNO) Vụ tranh cãi lại một lần nữa bùng lên gay gắt ở Ý sau biến cố cô Eluana Englaro, 38 tuổi, qua đời hôm 9.2 do bệnh viện rút ống cung cấp thức ăn khỏi người cô. Englaro đã sống thực vật từ năm 1992 sau một tai nạn giao thông.

Theo BBC, tin về cái chết của Englaro do đích thân Bộ trưởng Y tế của Ý Maurizio Sacconi công bố tại thượng viện giữa bối cảnh các nghị sĩ đang tranh cãi gay gắt về một dự luật vốn có thể buộc các bác sĩ phải tiếp tục đổ thức ăn vào ống để nuôi sống Englaro.

 

 Cô Eluana Englaro lúc chưa bị tai nạn - Ảnh: AFP

Các thượng nghị sĩ ủng hộ dự luật chống lại cái được gọi là “quyền được chết” đã mặc niệm trong một phút khi tin tức được công bố.

Cái chết của Englaro một lần nữa khiến tòa thánh Vatican (đặt trụ sở tại thủ đô nước Ý) phản ứng gay gắt, gọi việc cố tình để cho Englaro chết là điều “quá tồi tệ”. Quan chức phụ trách y tế của Vatican phát biểu với hãng thông tấn ANSA“Cầu xin thượng đế đón nhận cô và tha thứ cho những người đã đưa cô ấy đến đó (cái chết)”.

Englaro bị tai nạn vào năm 1992 và rơi vào tình trạng sống thực vật suốt từ đó đến nay. Các bác sĩ cho rằng tình trạng của cô là không thể thay đổi được.

Đến năm 1999, bố của cô Englaro, ông Beppino bắt đầu cuộc đấu tranh pháp lý gây ầm ĩ trên khắp nước Ý, yêu cầu để cho con ông được chết. Theo lời Beppino thì đây là ước nguyện của con gái ông.

Hồi tháng 7 năm ngoái, một tòa án tại Milan đã ra phán quyết ủng hộ ông Beppino với lý lẽ các bác sĩ đã chứng minh được rằng tình trạng hôn mê của Englaro là không thể thay đổi và trước khi tai nạn xảy ra, Englaro đã có lần nói rằng cô thà chết hơn là sống thực vật!

Các công tố viên nhà nước đã kháng án nhưng đến tháng 11.2008, một tòa án cấp cao hơn đã không chấp nhận xử lại vụ này.

BBC đưa tin sau đó Bộ Y tế Ý đã ban hành một chỉ thị cấm tất cả các bệnh viện trong khu vực rút các thiết  bị hỗ trợ sự sống ra khỏi cơ thể Englaro. Nhưng đến ngày 21.1 vừa qua, một tòa án tại Milan đã bác chỉ thị này.

Đến lượt Thủ tướng Ý, ông Silvio Berlusconi vào cuộc. Hồi tuần trước, ông đã soạn thảo một sắc lệnh để ngăn ngừa việc các bác sĩ để cho Englaro chết. Khổ nỗi Tổng thống Ý Giorgio Napolitano từ chối ký ban hành sắc lệnh nên nó bị “tắc” lại.

 

 Những người chống lại "quyền được chết" đổ ra đường biểu tình - Ảnh: AFP

Bản thân cô Englaro trước đây được chăm sóc tại một bệnh viện do nhà thờ điều hành ở Lecco và đương nhiên, bệnh viện của nhà thờ thì cật lực chống lại “quyền được chết”.

Nhưng đến tuần trước, gia đình Englaro đã chuyển cô đến bệnh viện La Quiete tại Udine sau khi bệnh viện này công bố sẽ tiếp nhận cô và để cho cô được chết.

Và bệnh viện La Quiete đã rút ống cung cấp thức ăn khỏi người Englaro từ hôm thứ sáu vừa qua. Các bác sĩ tại đây cho rằng Englaro có thể sẽ sống thêm 2 tuần nữa nhưng cô đã qua đời vào hôm qua (9.2).

Thông tấn xã ANSA dẫn lời xác nhận của ông Beppino: “Đúng, con bé đã rời bỏ chúng tôi. Nhưng tôi không muốn phát biểu bất kỳ điều gì, tôi muốn được ở yên một mình”.

Được biết Ý là nước không cho phép “cái chết êm ái” (vốn cho phép bác sĩ tiêm thuốc chấm dứt sự sống cho những người bệnh nặng không thể qua khỏi và đau đớn quá mức theo yêu cầu của bệnh nhân hoặc thân nhân bệnh nhân). Ở Ý, bệnh nhân được quyền từ chối chữa trị nhưng không được quyền hướng dẫn trước cách thức chữa trị mà họ mong muốn trong trường hợp họ rơi vào hôn mê.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.