Thủ tướng Matteo Renzi chủ trương chơi một ván bài chính trị mới với hy vọng dùng lá phiếu của cử tri để thay đổi cơ bản cục diện quyền lực ở Ý. Trong cuộc trưng cầu dân ý này, cử tri được đề nghị lựa chọn giữa tiếp tục duy trì hệ thống lập pháp bao gồm Hạ viện và Thượng viện với quyền hạn ngang nhau hoặc đồng ý cắt giảm đáng kể quyền hạn của Thượng viện.
Hệ thống nghị viện lâu nay là nguyên nhân chính khiến việc lập pháp rất trì trệ và kém hiệu quả, làm cho chính trường Ý luôn mất ổn định và bị phân hóa. Một hậu quả của nó là trong 70 năm qua đã có tới 63 lần thay đổi chính phủ. Vì thế, việc ông Renzi quyết chí sửa đổi hiến pháp là đúng đắn và cần thiết. Nhưng điều đặc biệt nhất ở đây là việc ông Renzi biến cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp hiện hành thành cuộc trưng cầu dân ý về chính phủ của chính mình.
Ông Renzi đã tuyên bố sẽ từ chức thủ tướng nếu cử tri bác bỏ sửa đổi hiến pháp. Vị thủ tướng này buộc phải chơi con bài “được ăn cả, ngã về không”, vì nếu không sửa đổi hiến pháp thì không thể cầm quyền thành công được trong khi mọi kết quả thăm dò dư luận đều cho thấy đa số cử tri hiện không đồng ý sửa đổi.
Ý giờ đứng trước ngã ba đường là vì thế. Nhưng cả EU cũng lo ngại không kém ông Renzi bởi ở Ý cũng đang thấy có sự trỗi dậy mạnh mẽ của các lực lượng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa và dân túy. Sau Brexit ở Anh và chiến thắng của ông Donald Trump ở Mỹ, không thể loại trừ chấn động chính trị bất ngờ ở Ý.
Bình luận (0)