Tập đoàn Yamaha Motor của Nhật Bản vừa thông báo bắt đầu sử dụng sợi nano cellulose, gọi tắt là CNF, thay cho nhựa trong một số các linh kiện. Thế giới đã biết đến CNF cách đây vài năm nhưng đây là lần đầu tiên vật liệu mới này được sử dụng thương mại trong các linh kiện vận tải.
CNF là vật liệu có nguồn gốc từ thực vật và chất thải nông nghiệp tái chế. Theo Yamaha Motor, CNF bền hơn thép gấp 5 lần và là vật liệu thế hệ mới được phát triển tại Nhật Bản.
Theo báo Nikkei, Nhật Bản đã tận dụng lợi thế nhiều gỗ của mình trong việc sản xuất loại vật liệu này.
CNF được tạo ra bằng cách nghiền nhỏ gỗ và xử lý với hóa chất, để cho ra thành phẩm là loại vật liệu cô đặc cao, nhẹ, bền chắc và có thể tái chế. Mặc dù nó thân thiện với môi trường nhưng chi phí sản xuất lại rất cao.
CNF mang đến cho các nhà sản xuất ô tô cơ hội chế tạo những chiếc xe mạnh mẽ. Sử dụng CNF sẽ loại bỏ được 2.000kg cacbon khí thải trong quá trình sản xuất ô tô.
Đại học Kyoto là nơi đầu tiên bắt tay vào hoàn thiện dự án sản xuất xe bằng CNF. Họ dựng lên một siêu xe với khung xe, nội thất được làm chủ yếu từ CNF. Họ gọi đây là phương tiện Nanocellulose, viết tắt là NCV, với khối lượng thấp hơn xe sản xuất bằng phương pháp truyền thống khoảng 10%.
Theo Tổ chức Phát triển Công nghệ Công nghiệp và Năng lượng Mới, các vật liệu từ cellulose, bao gồm cả những vật liệu không phải CNF, có độ bền, khả năng chịu nhiệt, chống va đập tốt đang được phát triển ở hơn 15 quốc gia trên thế giới. Trong kỷ nguyên giảm thiểu khí thải thì vật liệu từ cellulose có thể giúp thay thế các loại nhựa có nguồn gốc từ dầu.
Bình luận (0)