Lao động tự do cũng có thể hưởng lương hưu
Trước đây, chị Nguyễn Thị Thơm, tiểu thương chợ Quỳnh Mai (Q.Hai Bà Trưng Hà Nội), chỉ nghĩ kiếm tiền chạy chợ nuôi con ăn học. Ngoài 40 tuổi, sau khi qua cơn bệnh, chị mới bắt đầu lo cho sức khỏe bản thân và tương lai tuổi già. “Tình cờ xem ti vi tôi biết đến chính sách BHXH tự nguyện nên đã đăng ký tham gia mức đóng phù hợp với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, tôi chọn mức đóng 500.000 đồng. Từ năm nay, Nhà nước hỗ trợ 10% tiền đóng, nên số tiền phải đóng mỗi tháng chỉ còn 450.000 đồng. Sau này có điều kiện, tôi sẽ đóng cao hơn để sau khi về già có lương hưu”, chị Thơm chia sẻ.
Anh Trần Thiên Tân, công chức nhà nước ở tỉnh Hưng Yên, đã 17 năm 8 tháng đóng BHXH. Dù đã đến tuổi về hưu, song anh Tân vẫn còn thiếu 2 năm 4 tháng mới được hưởng lương hưu, nên anh quyết định đóng 1 lần cho những năm còn thiếu, với mức đóng phù hợp với thu nhập.
Tuy chính sách BHXH tự nguyện được triển khai từ 2008, nhưng sau 10 năm, tỷ lệ tham gia còn khá khiêm tốn. Theo số liệu của BHXH VN, đến tháng 9.2018, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt trên 14 triệu người, trong khi BHXH tự nguyện chỉ là 241.000 người. Chưa kể vẫn còn 40 triệu lao động ở khu vực phi chính thức, lao động tự tạo việc làm, lao động giúp việc gia đình, nông dân, ngư dân,… thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa tham gia. Mục tiêu đạt 3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện vào năm 2020 đang là một thách thức lớn.
Nguyên nhân do đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hầu hết là người lao động tự do, người làm nông nghiệp nên có thu nhập thấp, không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn, trong khi mức đóng BHXH lại khá cao, thời gian đóng kéo dài; công tác tuyên truyền chưa được sâu, rộng nên nhiều người chưa biết, hoặc chưa hiểu đầy đủ chính sách BHXH tự nguyện.
Cần nhiều chính sách hấp dẫn
Từ 1.1.2018, Nhà nước hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia: hộ nghèo được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%. Số % này dựa trên mức đóng của chuẩn nghèo khu vực nông thôn, do Chính phủ quy định. Mỗi tháng, người dân có thể đóng ở mức thấp nhất là 154.000 đồng. Mức đóng có thể thay đổi theo lựa chọn của người tham gia. Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm, nhưng không quá 5 năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức hỗ trợ này vẫn là rất thấp, hộ nghèo hoặc cận nghèo vẫn rất khó tham gia.
Khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế cuối 2017 cho thấy, có tới 35,2% lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện mong muốn được tham gia. Đặc biệt, 8,5% lao động cho biết sẽ tham gia BHXH tự nguyện, nếu có sự điều chỉnh, bổ sung các quy định được cho là hợp lý…
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng chính sách BHXH tự nguyện hiện nay chưa giúp người lao động được hưởng những quyền lợi như chế độ BHXH bắt buộc khi ốm đau, thai sản,... mà chỉ được hưởng tiền hưu trí và tử tuất. Vì vậy, cần tăng độ hấp dẫn của BHXH tự nguyện để nhiều người tham gia hơn.
“Ngay trong chế độ hưu trí, tử tuất cũng quy định khá khắt khe, phải đủ điều kiện đóng 20 năm mới được hưởng. Tới đây, khi thiết kế sửa đổi chính sách sẽ phải linh hoạt hơn, giảm số năm tham gia BHXH để người lao động có cơ hội hưởng lương hưu, ngăn chặn số người “rơi rụng” khỏi hệ thống. Chẳng hạn đóng 10 năm BHXH sẽ được hưởng 50% của mức chuẩn…”, ông Diệp gợi mở.
Theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH VN, tới đây BHXH VN sẽ hoàn thiện các chính sách thu hút được người lao động hơn, đa dạng loại hình và mức đóng bảo hiểm phù hợp với mức thu nhập khác nhau của người lao động, đặc biệt là người thu nhập thấp, người nghèo khu vực phi chính thức. “BHXHVN sẽ ứng dụng công nghệ thông tin mà chỉ với chiếc điện thoại thông minh, người dân có thể tham gia BHXH, đọc các chính sách BHXH. Với những người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, không có điện thoại thông minh, chúng tôi có những đại lý tiếp cận thông tin về nguyền lợi của người dân”, bà Minh nói.
Bình luận (0)