Yên tâm bám biển

11/08/2012 03:15 GMT+7

Lâu nay, chuyện ngư dân ra khơi đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa thường bị phía Trung Quốc bắt giữ cả tàu và người, đòi tiền chuộc, tịch thu ngư lưới cụ, thậm chí tịch thu cả tàu thuyền là chuyện thường xảy ra.

Lâu nay, chuyện ngư dân ra khơi đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa thường bị phía Trung Quốc bắt giữ cả tàu và người, đòi tiền chuộc, tịch thu ngư lưới cụ, thậm chí tịch thu cả tàu thuyền là chuyện thường xảy ra. Một mặt, rất cần sự lên tiếng phản đối kịp thời và mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng của nhà nước, các hội đoàn nghề cá, và từ các kênh truyền thông nhưng mặt khác, lại rất cần hỗ trợ những ngư dân là nạn nhân  của phía Trung Quốc, để họ không bị “cụt vốn” - cả vốn tinh thần lẫn vật chất - để có thể gầy dựng lại tàu thuyền cùng ngư lưới cụ và tiếp tục ra khơi.

Đối với ngư dân Lý Sơn và Quảng Ngãi, cứ mỗi lần gặp “nhân tai” trên biển, họ lại được chính quyền và các tổ chức phi chính phủ cùng những tấm lòng nhân dân giúp đỡ. Nhưng phải nói thật, số tiền thực sự mà ngư dân nhận được qua những đợt giúp đỡ có tuyên truyền nhiều trên báo chí ấy không đủ để họ  “tái cấu trúc” lại thuyền bè, lưới giã cho những chuyến ra khơi tiếp tục.

Nhiều ngư dân, sau tai nạn, đã phải sống vất vưởng, thậm chí đã phải bỏ nghề đánh cá khơi xa vì thiếu những phương tiện tối thiểu. Không phải ngư dân nào cũng tích lũy được tiền đủ để đóng mới lại tàu thuyền, mua ngư lưới cụ mới. Vay mượn thì họ không đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu của ngân hàng, và với mức lãi vay hiện tại, ngư dân sẽ lại bị cái “ách nợ” quàng lên cổ. Trong khi nghề đánh cá khơi xa ngày một nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Hãy tổng kết một cách cụ thể mỗi năm, để thấy số lượng tàu thuyền bị “nạn” từ các nguyên nhân khách quan là bao nhiêu, từ đó sẽ thấy, nếu tập trung được tất cả những khoản tiền quỹ khác nhau dành cho việc cứu trợ này, thì hoàn toàn có thể giúp đỡ ngư dân đóng mới tàu thuyền nếu bị cướp hay bị mất, và mua sắm lại ngư lưới cụ.

Đã có dự án “đóng tàu thép” cho ngư dân vươn ra khơi xa, hà cớ gì không có đủ khả năng giúp ngư dân đóng mới lại tàu thuyền bằng gỗ - ít tốn kém hơn nhiều - cũng cho mục đích đánh cá xa bờ?

Khi ngư dân đã hội đủ điều kiện để được giúp đỡ, thì cần tập trung nguồn lực tài chính để “giúp đỡ một lần” cho ra tấm ra món. Đừng giúp lai rai, manh mún, không giải quyết được việc gì căn bản.

Đúng là mỗi khi ngư dân gặp nạn, rất cần sự “giúp nóng”, nhưng đó không thể thay cho sự giúp đỡ căn bản và lớn lao là giúp đóng mới tàu thuyền nếu bị mất tàu thuyền, giúp mua sắm lại ngư lưới cụ nếu bị mất ngư lưới cụ. Và hai hình thức “giúp nóng” cũng như “giúp căn bản” phải cùng tiến hành, cái sau quan trọng hơn cái trước, nhưng không được để quá lâu rồi mới khởi động “dự án” sau .

Phải coi sự giúp đỡ này là thể hiện ý chí bám biển của cả nhà nước và nhân dân, cũng là thể hiện ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc. Ngư dân sẽ rất ấm lòng khi cả nhà nước và nhân dân cùng mạnh mẽ vào cuộc trong sứ mệnh “giúp đỡ căn bản” này để họ yên tâm bám biển, bên cạnh việc kiên quyết bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật các tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.