Đời Yersin chỉ lặng lẽ sống và làm việc để cho đi chứ không mong nhận lại, nhưng biết bao trái tim thương mến và kính trọng đã dành cho ông.
"Dù Yersin sinh ở Thụy Sĩ, dù Yersin mang quốc tịch Pháp, ông cũng là người Việt Nam vì ông đã dành nhiều thời gian nhất trong cuộc đời sáng tạo và thanh cao của mình để sống tại Việt Nam. Nơi đây ông đã đi vào lòng đất mẹ và vĩnh viễn sống trong trái tim nhân dân xóm Cồn, nhân dân Nha Trang và nhân dân Việt Nam..." - GS Nguyễn Trọng Nhân, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ VN, đã viết như thế về ông.
Miền đất thương yêu
Có một hình ảnh rất xúc động mà mọi người nhìn thấy mỗi lần thăm mộ Yersin ở Suối Dầu, Nha Trang là luôn có bó hoa tươi tắn bên nấm mộ dù nơi ông yên nghỉ nằm hẻo lánh trên ngọn đồi rậm rạp, xa dân cư. Nhà thơ Giang Nam gắn bó với Nha Trang tâm sự: "Đó chính là tấm lòng của những người dân bình thường nhất trao cho ông Năm, có khi chỉ là nhánh hoa rừng của cậu bé chăn bò, cô nông dân làm rẫy gần đó. Không chỉ thời bình, mà ngay thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất cũng có hoa tươi trên nấm mộ ông Năm do những người lính cả hai bên chiến tuyến hái đặt lên".
|
... Ngược thời gian trở lại thuở Yersin đến VN vào năm 1890, ông đã bôn ba khắp VN, thám hiểm những con đường mới lên Trường Sơn huyền bí. Ngoài ra, ông vẫn hành nghề y qua Philippines, Hong Kong, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Ấn Độ... trong đó có những nước lớn, đã phát triển hơn VN rất nhiều... Tuy nhiên, cuối cùng Yersin vẫn chọn VN làm nơi dừng chân. Và ông cũng không chọn đô thị Sài Gòn hay Hà Nội, nơi đông đồng hương và nhiều điều kiện nghiên cứu y khoa, mà chỉ lặng gắn với xóm Cồn, Nha Trang khi ấy còn là xóm chài nhỏ bé, lạc hậu. Ở đó người dân gọi Yersin bằng một cái tên Việt thân thiết là ông Năm.
Sau này, cộng sự người Việt của ông mới hiểu thêm lý do Yersin chỉ thầm để trong lòng: "Ông Năm nguyện gắn đời mình với làng chài có nhiều người nghèo khó, bệnh tật ấy để có thể giúp đỡ họ và nghiên cứu y khoa". Đặc biệt, năm 1902, Yersin được toàn quyền Paul Doumer mời ra góp công khai mở và làm lãnh đạo trường y hiện đại đầu tiên ở Hà Nội. Chính Yersin chủ trương mở rộng đào tạo ngành y cho người Việt vì chỉ có bác sĩ Việt mới cảm nhận sâu sắc được bệnh nhân Việt. Thậm chí, sau đó bệnh viện trường còn được viên toàn quyền cho đặt tên Yersin. Nhưng hoàn thành bước đi nền móng phát triển trường y, ông lại lặng lẽ từ giã để về Nha Trang, về với những người bạn nghèo khó đang ngóng trông ông Năm ở làng chài nhỏ bé.
Một lá thư gửi mẹ vào tháng giêng năm 1891 đã thổ lộ tấm lòng vị bác sĩ đối với người dân: "Con rất thích được khám cho những người đến tham khảo ý kiến của con, song lại không muốn sử dụng y khoa như một nghề, nghĩa là con sẽ không bao giờ có thể đòi bệnh nhân trả công khám cho mình. Con xem nghề y là một thiên chức giống như chức vụ mục sư vậy. Đòi tiền của bệnh nhân cũng gần bằng như bảo họ là: muốn sống thì bỏ tiền ra...".
Gần 70 năm trôi qua kể từ ngày Yersin qua đời, tôi "lục lọi" các ký ức nhân chứng, tư liệu và cảm nhận ông đã sống hết lòng với tâm nguyện. Không đơn thuần khám, chữa bệnh rồi nhận thù lao như bác sĩ thông thường, hành trình y học của ông đau đáu những vấn đề thời đại, những căn bệnh trầm kha để tìm giải pháp cứu chữa nhân loại. Và chính đồng nghiệp thế hệ sau ông đã nhận xét: đó là hành trình bác học, chứ không chỉ bác sĩ thông thường, dù rằng ông vẫn có thể thức trắng đêm bên giường bệnh người dân chài nghèo khó!
Ông Năm "Bồ tát"
Trong nhiều chuyện kể về Yersin hành nghề y ở VN có một chuyện được chính Yersin ghi chép y văn, báo cáo tỉ mỉ. Đầu mùa hè 1898, vài bệnh nhân dịch hạch ở xóm Cồn, Nha Trang được Yerin sớm phát hiện. Đến ngày 25-6-1898, người giúp việc ở chuồng nuôi vật thí nghiệm của ông cũng qua đời. Lập tức Yersin bắt tay dập dịch. Ông cho tiêm huyết thanh cho tất cả các nhân viên mình và người dân khu vực có dịch. Đồng thời, ông khuyên dân ở đây nên đến vùng cách ly có bồi thường của chính quyền, để diệt trùng bằng cách đốt nhà cũ. Đầu tháng 7-1898, ông phải đánh điện tín về Viện Pasteur Paris: "Dịch đã xảy ra ở đây, gửi gấp huyết thanh".
Mặc dù thiếu thốn trang thiết bị lẫn cộng sự có chuyên môn, Yersin vẫn nỗ lực dập dịch ở Nha Trang. Ông rất hiểu đây là thương cảng, tàu thuyền nhiều nơi ra vào, nếu không phòng chống dịch hạch kịp, để lan ra cả nước sẽ vô cùng nguy hiểm. Ông phát hiện nó xuất phát từ chính làng cù lao ngoài cửa sông Nha Trang. Dân làng này hay bán heo cho thương lái Trung Quốc và nhiều thương thuyền đã xuất phát từ những ổ dịch hạch nước này. Vài ca bệnh đầu tiên xuất hiện vào tháng 3-1898 ở cù lao, sau lan qua các làng khác...
Gần như Yersin phải quyết định mọi chuyện. Việc người dân phải qua khu mới để diệt trùng làng cũ dù có bồi thường nhưng vẫn bị phản ứng. Lúc này dân chài vẫn chưa hiểu dịch hạch mà họ cho rằng thần thánh gây ra. Còn người làm thần nổi giận chính là vị quan đã vào ở trong ngôi chùa địa phương. Yersin không tin, nhưng ông vẫn làm an lòng dân bằng cách báo chính quyền đổi viên quan ấy đi nơi khác.
Sau nỗ lực tiêm huyết thanh, diệt trùng làng dịch và cách ly dân, tình hình tạm ổn. Ngày 8-8-1898, Yersin đánh điện về Viện Pasteur Paris: "Dịch đã loại được". Nhưng bất ngờ, một dân chài lại tử vong với vi trùng dịch hạch. Dịch lại bùng phát. Yersin tiếp tục gặp khó khăn với tình trạng dân giấu bệnh vì sợ cách ly. Bốn ngày sau, 400 liều huyết thanh ở Viện Pasteur Paris về đến VN. Vừa tiêm huyết thanh điều trị, Yersin vừa quyết liệt dập dịch bằng cách cho dựng hẳn làng mới xa làng có dịch để đưa dân ra ở. Rồi ông cho đốt toàn bộ nhà cửa, vật dụng ở ngôi làng cũ có dịch. Ít hôm sau, một tù nhân lại chết bí ẩn trong trại giam. Yersin khám anh ta bị dịch hạch và nguyên nhân chính là do đã lẻn vào làng trộm cắp trước khi nó bị đốt.
Hai tháng sau, chỉ bốn trường hợp bệnh dịch được phát hiện... Ngày 26-1-1899, Yersin viết báo cáo dịch "tử thần đen" cơ bản dập tắt ở Nha Trang. 72 ca dịch hạch phát hiện. 53 bệnh nhân qua đời, tỉ lệ 73%. Nhưng trong 72 bệnh nhân thì một nửa giấu bệnh, tự điều trị bằng thầy thuốc bản xứ và chết 100%. Còn 33 bệnh nhân được Yersin tiêm huyết thanh cứu sống 19 người. Tỉ lệ 42% khỏi bệnh chưa làm Yersin hài lòng do chất lượng huyết thanh và việc vận chuyển đường xa. Nhưng ông có thể tạm bằng lòng vì mình và đồng nghiệp Viện Pasteur đã nghiên cứu, phát triển hướng điều trị văcxin là giải pháp tốt nhất lúc đó. Đặc biệt, biện pháp dịch tễ của ông ngăn dịch hạch lan rộng cũng chứng tỏ hiệu quả.
Cùng thời kỳ này, các thành phố hiện đại hơn Nha Trang như Hong Kong, Quảng Châu, Trung Quốc; Bombay, Ấn Độ đều hoang tàn, vắng hẳn dân vì dịch hạch. Nha Trang là một ngoại lệ thần kỳ thoát khỏi sự tàn sát của vi trùng "tử thần đen" nhờ nỗ lực của bác sĩ Yersin...
Và đó chính là một lý do mà Yersin, người nước ngoài duy nhất, được các chùa ở Nha Trang thờ bên cạnh tượng Phật, như một vị bồ tát!
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)