Tuần qua, UBND TP và Công an TP.HCM tổ chức cuộc họp triển khai
nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, đã mời hai vị phó chủ tịch quận đi họp thay cho cấp trưởng ra về.
Theo ông Phong, chủ tịch quận huyện là người theo dõi Đảng uỷ công an; cử người cấp phó đi họp thay thì khó nắm bắt được nội dung, tinh thần cuộc họp.
Cũng trong tuần, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã phê bình và nghiêm túc kiểm điểm các giám đốc sở ngành và chủ tịch ủy ban huyện xã đã vắng mặt trong cuộc họp tổng kết 10 năm thực hiện phòng chống tham nhũng do UBND tỉnh tổ chức. Trước đó, UBND tỉnh đã “điểm danh” và “lòi ra” nhiều giám đốc sở ngành, chủ tịch địa phương không dự họp hoặc chỉ cử cấp phó đi thay.
Thuật ngữ hành chính của chúng ta gọi các vị đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương là cấp trưởng. Các cấp trưởng hưởng lương nhà nước từ tiền đóng thuế của nhân dân; làm một số công việc trong thẩm quyền được nhà nước giao, trong đó có công việc phải đi dự những cuộc họp quan trọng. Khi cấp trên đã yêu cầu đích danh các cấp trưởng dự họp thì có nghĩa là cuộc họp ấy là cần thiết, chỉ có những cấp trưởng mới nắm bắt và mới đủ thẩm quyền triển khai thực hiện.
Việc cấp trưởng ở lại cơ quan, cử cấp phó đi họp thay trở thành một thứ tiền lệ xấu trong hoạt động hành chính công quyền. Cử một cấp phó đi họp thay là cấp trưởng ấy đã tỏ ra thiếu tôn trọng cấp trên của mình - người ký thư mời dự họp và người chủ trì cuộc họp. Cử một cấp phó đi thay là một cách đùn đẩy trách nhiệm cho người khác: trách nhiệm phải đi họp, trách nhiệm phải triển khai thực hiện và trách nhiệm chịu trách nhiệm về kết quả của việc triển khai thực hiện ấy. Trả lời báo chí, không ít các vị cấp trưởng không nắm được vấn đề, cứ nói quanh co theo kiểu “Tôi sẽ cho kiểm tra lại việc này” hay “Sai phạm tới đâu, xử lý tới đó”.
Để xây dựng một nền hành chính công có quy củ, đúng theo tinh thần phục vụ thì tất cả các bộ, ngành, địa phương phải nêu cao nguyên tắc mời đích danh người nào thì người ấy phải đi họp và cương quyết xóa bỏ tiền lệ cử người đi họp thay. Cử một người đi họp thay thì người ấy dù có khả năng, trình độ nhưng việc truyền đạt lại cho cấp trưởng vẫn có thể biến dạng, méo mó, không đầy đủ. Cử một người đi thay thì người ấy chẳng có quyền hạn để quyết định một việc gì cả. Chấp nhận cho một người họp thay là vô tình xóa đi nguyên tắc buộc cá nhân cấp trưởng phải triển khai hành động và phải chịu trách nhiệm về hậu quả hành động của mình sau này.
Những công dân bình thường có nghĩa vụ đóng thuế vào ngân sách nhà nước để các cấp trưởng hưởng lương từ ngân sách ấy. Đồng cảm với các vị lãnh đạo chủ trì các cuộc họp, người công dân bình thường cũng có quyền yêu cầu các cấp trưởng phải đi dự họp đầy đủ và nghiêm túc, không được cử một người nào khác - một cấp phó chẳng hạn, đi thay.
Bình luận (0)