Yêu cầu của Mỹ về dữ liệu chuỗi cung ứng chip gây tranh luận ở Trung Quốc

10/10/2021 08:37 GMT+7

Nhiều chuyên gia trong ngành bán dẫn ở Trung Quốc lo ngại động thái mới nhất của chính quyền Washington có thể khiến các công ty đại lục gặp bất lợi và dễ vướng phải các lệnh trừng phạt.

Theo South China Morning Post, việc chính phủ Mỹ yêu cầu các công ty sản xuất chip cung cấp thông tin chuỗi cung ứng đã gây ra cuộc tranh luận ở Trung Quốc, nơi một số người cho rằng nỗ lực mới nhất để đối phó với tình trạng thiếu chip toàn cầu của Washington là chuyên quyền, độc đoán và gây hại cho nước họ.

Bộ Thương mại Mỹ mới đây đã yêu cầu các nhà sản xuất chip trong và ngoài nước gửi thông tin chuỗi cung ứng trước ngày 8.11

chụp màn hình

Bộ Thương mại Mỹ mới đây yêu cầu các nhà sản xuất chip gửi thông tin chuỗi cung ứng, bao gồm cả dữ liệu hàng tồn kho, trước ngày 8.11. Yêu cầu này được gửi đến cho các công ty trong và ngoài nước Mỹ, bao gồm cả nhà cung cấp chất bán dẫn Samsung Electronics và Intel, nhà sản xuất ô tô Daimler và BMW, cùng với các công ty phần mềm như Apple và Microsoft.

“Chúng tôi mời gọi ý kiến ​​đóng góp từ tất cả các bên liên quan. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc thu thập thông tin từ các tổ chức nước ngoài và trong nước tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng sản phẩm bán dẫn ở bất kỳ cấp độ nào”, Bộ Thương mại Mỹ viết trong yêu cầu.

Mặc dù không có công ty Trung Quốc nào tham gia trực tiếp, nhưng yêu cầu trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong ngành bán dẫn của nước này, vốn đang phải đối mặt với hạn chế gia tăng từ lệnh trừng phạt của Mỹ trong việc truy cập vào các thiết bị và công nghệ chip tiên tiến. Hiện Bắc Kinh chưa có ý kiến về yêu cầu của Washington, nhưng một số nhà bình luận cảnh báo rằng động thái này có thể giúp Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt có mục tiêu hơn.

“Yêu cầu của Mỹ sẽ giúp tạo ra việc làm trong nước, mua lại chính xác các công ty quốc tế có tiềm năng và đưa ra biện pháp trừng phạt đối với các công ty chủ chốt của Trung Quốc. Cách duy nhất để làm được những điều này là thông qua xác định các chi phí chính”, Xi Chen, người cố vấn cho một nhóm nghiên cứu trực thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, nói.

Một số ý kiến bình luận trực tuyến cũng lo rằng dữ liệu về chuỗi cung ứng chip có thể giúp Mỹ thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình. “Điều này sẽ cung cấp dữ liệu hỗ trợ hoạch định chính sách nhằm ngăn chặn Trung Quốc và phát triển sản xuất chip nội địa của Mỹ”, một người dùng trên trang hỏi đáp Zhihu của Trung Quốc viết, thu hút hơn 2.000 lượt ủng hộ. Trong khi đó, một người dùng Zhihu khác viết rằng: “Giải quyết tình trạng thiếu chip là một cái cớ. Mục đích là tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và thực hiện các biện pháp trừng phạt chính xác hơn”.

Stewart Randall, người đứng đầu bộ phận điện tử tại công ty tư vấn Intralink có trụ sở tại Thượng Hải, nhận xét thông tin mà Washington yêu cầu “có thể giúp Mỹ biết cách phân bổ nguồn lực của mình đúng cách để chi tiêu hiệu quả hơn”. Ví dụ, khi biết những thay đổi của các công ty đối với mức mua vật liệu và thiết bị trong ba năm qua, chính phủ Mỹ sẽ xác định xem liệu người mua có đang bỏ qua các nhà cung cấp Trung Quốc hay không. Ông Randal nói thêm, nắm được sản phẩm nào có nhu cầu cao nhất cũng có thể giúp chính phủ biết cách giúp các công ty Mỹ vượt lên.

To-hai Liou, giáo sư tại Đại học Cheng-Chi ở Đài Loan, nói với truyền thông địa phương rằng yêu cầu thông tin về chuỗi cung ứng chip “chắc chắn nhắm vào Trung Quốc”. Mỹ muốn hạn chế hơn nữa việc TSMC bán các chip quan trọng cho Trung Quốc trong tương lai. Năm ngoái, 17% doanh thu của TSMC đến từ đại lục, trong khi đó 62% là từ các khách hàng có trụ sở tại Bắc Mỹ.

Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới của Đài Loan bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc giữa lúc cạnh tranh công nghệ ngày càng gia tăng. Chính phủ Bắc Kinh đã cẩn thận không công khai chỉ trích TSMC, bất chấp sự hợp tác của hãng này với Washington. Ngoài việc ngừng sản xuất cho Huawei, TSMC cũng buộc phải giảm doanh số bán hàng cho Tianjin Phytium, công ty thiết kế chip cho siêu máy tính của Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.