Yêu cầu giảm vị thế độc quyền trong kinh doanh xăng dầu

Nguyên Nga
Nguyên Nga
01/10/2024 17:47 GMT+7

Nhóm các thương nhân phân phối, thương nhân bán lẻ xăng dầu vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng liên quan bảng dự thảo 4 về nghị định kinh doanh xăng dầu, thay thế cho 3 nghị định 83, 95 và 80 hiện nay.

"Có sự phân biệt đối xử, tạo thế độc quyền cho doanh nghiệp xăng dầu lớn"

Cụ thể, các thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nhấn mạnh bản dự thảo mới vẫn không "thoát" quan điểm và phương pháp quản lý cũ đã tồn tại 10 năm qua, từng gây hệ lụy về việc không kiểm soát được giá, gây khủng hoảng xăng dầu tại một số thời điểm.

Thứ 2, một số nội dung trong dự thảo không có căn cứ pháp lý, trái với nhiều quy định tại các luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Thương mại, Cạnh tranh, Giá, Dự trữ Quốc gia…

Thứ 3 là có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tạo thế độc quyền cho các doanh nghiệp xăng dầu lớn; hạn chế quyền kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ 4, thiếu minh bạch trong quản lý giá, ấn định giá bán lẻ bằng mệnh lệnh hành chính trong khi giá nhập khẩu theo giá thế giới… "Đặc biệt, việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo nghị định còn mang tính hình thức và không thực chất, thiếu toàn diện và đầy đủ đối với các đối tượng chịu sự tác động…", bản kiến nghị nhấn mạnh.

Yêu cầu giảm vị thế độc quyền trong kinh doanh xăng dầu- Ảnh 1.

Các thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ nhiều quy định trong kinh doanh xăng dầu gây bất lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

ẢNH: NHẬT THỊNH

Từ đó, các doanh nghiệp nêu quan điểm: "Nhiều vấn đề chính đã được góp ý và phản biện từ dư luận nhưng vẫn không được sửa đổi. Nếu tiếp tục giữ nguyên như vậy sẽ không mang đến hiệu quả đổi mới thực sự và tác động tích cực cho vận hành thị trường xăng dầu nói chung và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu nói riêng".

Ngoài vấn đề nêu trên, nhóm thương nhân xăng dầu phân tích khá chi tiết các điểm bất lợi và không công bằng trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu. Đó là khi phần lớn nguồn cung xăng dầu đã được sản xuất trong nước, tại sao vẫn quy định chỉ có thương nhân đầu mối mới được mua từ các nhà sản xuất trong nước, trong khi thương nhân phân phối lại không?

Hay dự thảo nghị định là cho phép thương nhân đầu mối được mua bán lẫn nhau, bao gồm cả mua từ thương nhân đầu mối khác. Trong khi đó, thương nhân phân phối lại chỉ được mua từ một nguồn duy nhất là thương nhân đầu mối và không được mua bán với nhau.

Khó cạnh tranh khi thương nhân đầu mối nắm thế "điều hành"

Với các quy định như dự thảo nghị định, các thương nhân bán lẻ cho rằng, thương nhân đầu mối sẽ đương nhiên trở thành "người lãnh đạo thị trường". Vô hình trung biến các doanh nghiệp còn lại là rơi vào vị thế phụ thuộc hay làm thuê, trừ các doanh nghiệp là công ty con của thương nhân đầu mối.

Trong khi đó, luật Cạnh tranh 2024 quy định rõ: Một doanh nghiệp chiếm 30% thị phần và/hoặc 5 doanh nghiệp cùng nhau chiếm 85% thị phần trở lên sẽ trở thành doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Trên thực tế, từ nhiều năm qua, thị trường xăng dầu chỉ có 1 doanh nghiệp siêu lớn chiếm tới 51% thị phần là Petrolimex, có đủ các quyền kinh doanh của thương nhân đầu mối, đặc biệt có hệ thống phân phối từ nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ tới tận người tiêu dùng. Ngoài ra, 6 doanh nghiệp lớn cùng là thương nhân đầu mối đang chiếm 88% thị phần từ nhập khẩu đến bán buôn và bán lẻ.

"Như vậy, rõ ràng nước ta đang không có thị trường xăng dầu đúng nghĩa với cơ chế cạnh tranh tự do, bình đẳng và công bằng", theo nhóm thương nhân nhấn mạnh. Cùng với việc trao quyền quyết định giá, phân phát chiết khấu cho các khâu, nhóm thương nhân cho rằng, khó có thể còn cạnh tranh khi thương nhân đầu mối nắm thế "điều hành".

Từ các lý do trên, tập thể thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu kiến nghị Chính phủ có giải pháp để làm giảm vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp lớn và siêu lớn. Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phân phối và bán lẻ không bị thôn tính phù hợp với tinh thần, mục tiêu của luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, nghị định mới cần loại bỏ các quy định phân loại thương nhân mà thay vào đó quy định đối tượng điều chỉnh của nghị định là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói chung với các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật gắn với các hoạt động kinh doanh. Cụ thể các điều kiện kinh doanh nhập khẩu, điều kiện và tiêu chuẩn kho xăng dầu, điều kiện và tiêu chuẩn phương tiện vận chuyển xăng dầu, điều kiện và tiêu chuẩn cửa hàng bán lẻ, điểm bán xăng dầu...

Ông Hoàng Trung Dũng, đại diện cho các doanh nghiệp gửi kiến nghị, cho biết thêm: "Các thương nhân phân phối và bán lẻ cũng kiến nghị Thủ tướng và các Phó thủ tướng vấn đề cấp bách ổn định thị trường là Bộ Công thương nghiên cứu việc lập sàn mua bán xăng dầu theo đúng chỉ đạo; xem xét lại sự tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu có cần thiết không. Bởi trong thực tế, Quỹ này đã không hiệu quả và ít phát huy tác dụng nhưng tạo gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp nói chung; cùng với thuế môi trường thu trước, nhiều doanh nghiệp lớn đã lạm dụng quỹ này và tiền thuế để trục lợi trái pháp luật. Ngoài ra, về cơ chế dự trữ xăng dầu theo luật Dự trữ quốc gia, cần có chính sách để các quỹ tài chính, ngân hàng có cơ chế tín dụng đặc thù dành cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.