Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Kon Tum lập đoàn kiểm tra các giếng nước ở làng Đăk Sút, xã Đăk Kroong, H.Đăk Glei bị ô nhiễm và yêu cầu nhà máy mì của Công ty TNHH Phương Hoa ngừng hoạt động mua, bán bã mì tươi.
Sáng 14.6, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Kon Tum phối hợp với UBND H.Đăk Glei (Kon Tum) tiếp tục kiểm tra hiện trường các giếng nước ô nhiễm và lập biên bản xử lý vi phạm đối với Công ty TNHH Phương Hoa (xã Đăk Kroong).
Bãi bã mì tươi gây ô nhiễm Ảnh: P.A
Tại làng Đăk Sút, đoàn đi kiểm tra tại các giếng nước bị ô nhiễm thêm một lần để đủ cơ sở lập biên bản xử phạt hành chính đối với Nhà máy mì của Công ty TNHH Phương Hoa.
Tại nhà ông A Hoàng, đoàn quan sát thấy giếng nước có màu đen ngòm, bốc mùi khó chịu. A Hoàng cho biết giếng này đào từ năm 2005, sâu 12m. Sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, khi nhà máy mì nói trên đào hố rộng hàng ngàn m2 để tập kết bã mì ở sát nhà thì một thời gian giếng nước ở khu vực này có hiện tượng nước đổi thành màu đen, giếng nước nổi bọt, mùi khó chịu.
Giếng nước của nhà anh A Hoàng (làng Đăk Sút) không sử dụng suốt 5 tháng vì ô nhiễm Ảnh: P.A
Ngoài ra, đoàn còn kiểm tra giếng nước của các hộ gia đình ở làng Đăk Sút. Tất cả các giếng này đều đào bằng đất, không đổ bi bê tông, nước đều bị ô nhiễm, không sử dụng được, một số giếng còn có mùi hôi.
Đoàn kiểm tra còn phát hiện một hồ chứa chất thải rộng khoảng 2.748 m2 lót bạt sát Nhà máy mì Phương Hoa. Bên cạnh nhà máy mì còn có bãi bã mì bốc mùi, có xe máy múc và xe tải đang đậu tại đây.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Kon Tum, số lượng bã mì trước đó khoảng 500m, nhưng nay đã vận chuyển đi hơn 2/3 số lượng.
Theo quan sát của PV tại hiện trường, một cống xả nước thải từ nhà máy, nằm lộ thiên gần con suối, đổ nước thải ầm ầm như thác, sủi bọt trắng xóa kéo dài cả khu vực gần đó.
Sau giám sát, đoàn kiểm tra làm việc trực tiếp với chính quyền xã Đăk Kroong và H.Đăk Glei.
Tại đây, ông A Phương, Phó chủ tịch UBND H.Đăk Glei, khẳng định ô nhiễm môi trường do các hoạt động chế biến mì ở đây là có thật.
Theo ông Phương, đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty TNHH Phương Hoa ngừng hoạt động sản xuất, chờ khi khắc phục tất cả hậu quả và được UBND tỉnh Kon Tum cho phép mới được hoạt động lại. Đồng thời lập biên bản cam kết giữa công ty với các hộ dân về việc công ty phải chịu trách nhiệm bảo đảm nước sinh hoạt cho dân.
Ông Phan Đăng Thảo, Phó giám đốc Công ty TNHH Phương Hoa, thừa nhận việc đổ chất thải, chứa bã chất thải như vậy là sai, ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước sinh hoạt của những hộ dân ở đây. Doanh nghiệp này hứa chuyển tất cả bã mì ra khỏi vùng này trước ngày 20.6.
Bình luận (0)